Các bác sĩ cấp cứu Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai nghi ngờ người bệnh bị đột quỵ não, kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện nhồi máu não bán cầu phải. Đây là một trong nhiều người trẻ bị đột quỵ mà Trung tâm vừa tiếp nhận.
Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, được thành lập một năm, trên 10.000 bệnh nhân đã điều trị cấp cứu tại đây. "Trong số này, có tới 10% trường hợp dưới 45 tuổi, xu hướng ngày càng tăng", Phó giáo sư Mai Duy Tôn, Giám đốc trung tâm, nói.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.00 người đột quỵ, tỷ lệ tử vong khoảng 40%. Đáng nói, số người trẻ bị đột quỵ đang có xu hướng gia tăng. Người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 30% tổng ca đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới nhiều gấp 4 lần nữ.
"Nhiều người may mắn sống sót sau đột quỵ, nhưng phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội", ông Khuê nói.
Hàng năm, trên thế giới có gần 15 triệu người bị đột quỵ, 5 triệu người trong số này tử vong. Đột quỵ là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tàn tật, một nửa số người sống sót sau đột quỵ bị tàn tật và hơn một phần ba phụ thuộc vào người chăm sóc.
Đột quỵ não gồm hai dạng là nhồi máu não và xuất huyết não. Hầu hết đột quỵ ở người trẻ liên quan đến yếu tố nguy cơ, như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực... Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ.
Người bệnh đột quỵ cần được điều trị nhanh chóng tối đa, bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt là tiêu huyết khối trong 4-5 giờ đầu. Đồng thời, bệnh nhân cần được phối hợp với các chuyên khoa khác như Chẩn đoán hình ảnh để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu, Phẫu thuật thần kinh để phẫu thuật cấp cứu cho người chảy máu não, chảy máu dưới nhện, nhồi máu diện rộng...
Hiện tuyến y tế Trung ương có 4 trung tâm đột quỵ thuộc 4 bệnh viện, có 27 đơn vị đột quỵ tại các cơ sở y tế. Tại tuyến tỉnh, có 2 bệnh viện thành lập trung tâm, 5 viện có khoa đột quỵ. Tại tuyến huyện, chỉ hai bệnh viện có khoa đột quỵ.
Cả nước hiện có 182 cơ sở khám chữa bệnh có đội đột quỵ, theo đó người trong đội chủ yếu làm công việc tiếp nhận, đánh giá nhanh, phân loại, xử trí cấp cứu ban đầu đột quỵ, hỗ trợ vận chuyển tới cơ sở khám chữa bệnh gần nhất. Tuy nhiên, nhiều đội không có bác sĩ, điều dưỡng; chỉ 10% bác sĩ, điều dưỡng được tập huấn và cấp giấy chứng nhận đào tạo đột quỵ. Các cơ sở khám chữa bệnh đề xuất, ngoài việc quy định rõ cơ sở hạ tầng tối thiểu cho triển khai công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở có khoa đột quỵ, cần bổ sung nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao.
Theo Bộ Y tế, mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần xây dựng một trung tâm/khoa điều trị đột quỵ, từ nay đến năm 2025.