Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), ngay khi phát hiện chuỗi lây nhiễm này, ngành y tế đã tiến giải mã bộ gene của virus gây bệnh. Kết quả ra tối nay cho thấy mẫu bệnh phẩm của 5 bệnh nhân thuộc nhóm lây nhiễm này đều thuộc biến chủng Ấn Độ.
Hai ngày qua, số trường hợp nhiễm liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng đã lên 44, gồm 32 hội viên và 12 người tiếp xúc với nhóm hội viên này. Ngoài ra, một trường hợp ở Long An cũng được ghi nhận bệnh sáng nay, do tiếp xúc đồng nghiệp là hội viên của nhóm này.
Qua điều tra dịch tễ, HCDC chiều 28/5 đánh giá cụm dịch này lây lan nhanh do nhiều người sinh hoạt trong phòng nhỏ khoảng 50 m2, không đeo khẩu trang, môi trường sinh hoạt không đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch.
Thành phố tiếp tục triển khai thần tốc các hoạt động truy vết, khoanh vùng, mở rộng xét nghiệm để chặt đứt chuỗi lây nhiễm, không cho lây lan tiếp. Hiện, chuỗi lây nhiễm này vẫn chưa xác định nguồn lây. Ngành y tế đang tiếp tục điều tra.
Trước đó, TP HCM cũng ghi nhận biến chủng Ấn Độ B.1.617.2 ở "bệnh nhân 4583" - người phụ nữ ngụ quận 7 và "bệnh nhân 4514" – thanh niên ngụ TP Thủ Đức. Đây là hai đồng nghiệp chung công ty tại quận 3. Nữ bệnh nhân từng đến Hải Phòng từ ngày 24/4 đến 5/5, về TP HCM đi làm, trước khi phát hiện dương tính nCoV tối 18/5. Biến chủng của hai bệnh nhân này tương tự chủng đang gây dịch tại các tỉnh phía Bắc.
Biến chủng Ấn Độ có khả năng lây nhiễm nhanh hơn 1,7 lần so những chủng nCoV khác. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, biến chủng Ấn Độ có thể lây lan nhanh trong không khí ở môi trường kín.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của nCoV, gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7, B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2.
Ngoài biến chủng Ấn Độ, TP HCM cũng đang ghi nhận biến chủng Anh B.1.1.7 ở "bệnh nhân 4780"- bà chủ quán O Thanh và một trong hai người con. Ba mẹ con được ghi nhận mắc Covid-19, ngày 20/5. Hiện, chuỗi lây nhiễm này ghi nhận tổng cộng 5 bệnh nhân, vẫn chưa xác định nguồn lây.