Tại cuộc họp ngày 6/8, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) đưa ra nhận định trên và nêu rõ đây là dự báo về những ca nhiễm bệnh mới liên quan tới cụm bệnh viện Đà Nẵng hoặc một số nơi trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới từng ngày không phản ánh xu thế tăng hay giảm của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân nặng đang điều trị tại 3 khoa hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng, tính mạng vốn đã rất mong manh lại bị nhiễm thêm Covid-19, nên trong những ngày tới có thể có thêm một số bệnh nhân tử vong.
Qua ý kiến chuyên gia và phân tích dữ liệu, kết quả xét nghiệm, Ban chỉ đạo cho rằng "càng ngày càng đầy đủ cơ sở cho thấy thành phố Đà Nẵng là ổ dịch. với tâm dịch là cụm 3 bệnh viện". Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là việc giãn cách xã hội trên toàn thành phố Đà Nẵng và một số huyện, thị xã của tỉnh Quảng Nam, không để dịch lan ra bên ngoài.
Các chuyên gia, lãnh đạo Bộ Y tế và thành viên Ban chỉ đạo cũng thống nhất nhận định: Nguy cơ dịch bệnh đang thường trực ở tất cả các tỉnh, thành; trước hết là những người từ Đà Nẵng về địa phương.
Do đó, các tỉnh, thành phải thực hiện thật nghiêm chỉ đạo và hướng dẫn về việc theo dõi, cách ly người về từ Đà Nẵng. Người đứng đầu các địa phương, Trưởng ban chỉ đạo chống dịch trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra vi phạm.
Ban chỉ đạo yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng không có các biện pháp phòng hộ cho người đến khám ở bệnh viện và nhân viên y tế; không để xảy ra tình trạng bệnh nhân đang điều trị, nhất là các khoa có nhiều ca bệnh nặng, bị lây nhiễm trong một thời gian mà không biết.
"Nơi nào vi phạm quy định phòng, chống dịch thì giám đốc bệnh viện, thủ trưởng cơ quan chủ quản của bệnh viện trực tiếp chịu trách nhiệm", Ban chỉ đạo nêu rõ.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nói trong đợt dịch này đã xuất hiện những chùm ca bệnh (nhiều người trong một nhà mắc bệnh); ghi nhận một số trường hợp nhiễm nCoV nhưng chưa xác định có mối liên quan đến cụm cơ sở điều trị ở Đà Nẵng; một số địa phương đã ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 trở về từ Đà Nẵng (Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang).
Theo ông Tấn, từ ngày 7/7 (thời điểm dự đoán dịch xuất hiện) đến nay đã qua khoảng 5 chu kỳ lây nhiễm. Ngay sau khi phát hiện ca đầu tiên ở Đà Nẵng, từ những ngày 26 - 28/7, Đà Nẵng và nhiều địa phương đã áp dụng đồng bộ các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch. Theo đó, những tỉnh, thành nào áp dụng nghiêm việc kiểm soát, dự báo sau 14 ngày triển khai (khoảng một tuần nữa) số ca lây nhiễm sẽ giảm.
Ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế, cho hay lần này áp lực chống dịch lớn hơn lần trước nhiều, vì phải thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Ngay từ ca nhiễm đầu tiên, Bộ Y tế ý thức được sự phức tạp ở Đà Nẵng nên chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó dịch bệnh. Cùng với tập trung dập dịch trong cụm 3 bệnh viện, Bộ Y tế cũng đặt trọng tâm trong việc phòng, chống các ca bệnh trong cộng đồng.
Tốc độ xét nghiệm lần nay cao gấp gần 3 lần so với thời kỳ cao điểm hồi tháng 4/2020. Bộ Y tế cũng đã điều động nhiều nhân lực giỏi vào hỗ trợ Đà Nẵng ứng phó dịch bệnh. "Chưa bao giờ Bộ Y tế tung một lực lượng lớn như vậy vào Đà Nẵng", ông Long nói và nêu đánh giá nguy cơ lớn nhất, hiện hữu nhất là nhóm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ truy vết và cách ly tập trung các ca F1.
Nhóm nguy cơ thứ 2 là những người đã đi đến từ Đà Nẵng (từ ngày 1/7 đến nay) nhưng không có mối liên hệ với cụm 3 bệnh viện như các ca bệnh tại Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội...
Ông Long nhấn mạnh, ngành y tế đang nỗ lực kiểm soát tình hình ở Đà Nẵng, tuy nhiên, việc chống dịch không phải chuyện riêng ở Đà Nẵng mà tất cả các địa phương đều phải vào cuộc.
Tính đến ngày 6/8, tổng số ca nhiễm cả nước lên 717, trong đó 381 người đã khỏi, 8 người tử vong, 328 bệnh nhân đang điều trị. 11 bệnh nhân nguy kịch nguy cơ tử vong rất cao.