Vợ bệnh nhân, bà Shan Coralie Barker, 67 tuổi, được công bố khỏi bệnh ngày 2/4. Suốt từ đó đến nay, bà luôn ở bệnh viện vừa để cách ly, theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày sau khi ra viện, vừa chờ đợi chồng khỏi bệnh.
Bà Barker chia sẻ: "Khi biết cả hai vợ chồng mắc Covid-19, tôi rất sốc. Rồi họ chuyển chồng tôi vào khoa Hồi sức tích cực để chữa trị. Là một điều dưỡng, tôi biết chồng tôi rất nguy kịch, nguy cơ đe dọa tính mạng cao. Nhưng các bác sĩ Việt Nam đã cứu sống tôi và chồng tôi".
"Nếu còn ở Anh, chưa chắc chúng tôi đã được cứu", bà xúc động nói.
Rời bệnh viện, hai vợ chồng bà lên máy bay do chính phủ Anh bố trí riêng đưa công dân về nước.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: "Khi nhìn thấy người vợ bước chân vào gặp chồng ở khoa, chúng tôi cảm thấy nỗ lực của mình được đền đáp. Rất hạnh phúc!".
Garth là bệnh nhân thứ 28 nhiễm nCoV tại Việt Nam. Ông đến Hà Nội trên chuyến bay VN54 ngày 2/3 cùng vợ, được cách ly theo dõi tại Quảng Ninh từ ngày 6/3. Ngày 13/3, ông và vợ được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội để điều trị.
Do tuổi cao, có tiền sử ung thư máu đã 10 năm nên bệnh của ông trở nặng. Ngày 22/3, ông phải thở oxy, đến 27/3 thì suy hô hấp nặng phải thở máy, chuyển điều trị tích cực.
10 ngày sau đó, nhóm bác sĩ của bệnh viện cùng các chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực tại Việt Nam liên tục hội chẩn, theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của ông Garth cùng các bệnh nhân nặng khác, điều chỉnh phác đồ điều trị để giành giật sự sống cho ông.
Tới ngày 5/4, công sức đó được đền đáp, ông Garth bỏ được máy thở, chuyển thở oxy bằng mặt nạ. Tới 8/4, bệnh nhân tự thở không cần hỗ trợ. Ngày 13/4, kết quả xét nghiệm cho biết ông âm tính nCoV lần thứ tư và sức khỏe đã phục hồi, vì vậy được xuất viện.
Hiện Việt Nam ghi nhận 265 người nhiễm nCoV, trong đó 146 người đã khỏi bệnh, 119 người đang điều trị. Tám bệnh nhân nặng nay chỉ còn bảy, gồm một ca sử dụng ECMO, hai ca thở máy, bốn ca thở oxy.
Chi Lê