![]() |
Bé Trâm đang làm nũng với mẹ. Ảnh: A.N. |
Sau khi bị thày hiệu trưởng rồi công an xã ép cung, bắt nhận tội ăn cắp, cháu Huỳnh Thị Ngọc Trâm (10 tuổi, Châu Thành, Đồng Tháp), bị rối loạn tâm thần. Gần đây, ở cháu có biểu hiện giống như một em bé tuổi nhũ nhi: nũng nịu, đòi bú mẹ, không nói được. Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna cho biết, đó là triệu chứng thoái lui hay còn gọi là trẻ con hoá, một bước lùi về tâm thần khi bệnh nhân có những cảm xúc, hành vi, ứng xử như thời thơ ấu. Ở trường hợp bé Trâm, bé đã quay lại với thời 1-2 tuổi khi còn bú mẹ.
Thoái lui có thể là triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn (xuất hiện sau khi có biến cố tâm lý một thời gian) hoặc rối loạn stress cấp (bệnh nhân bị rối loạn tâm thần gần như ngay sau khi có sang chấn, như trường hợp bé Trâm). Đây thường là các stress rất lớn khiến ngay cả người có nhân cách mạnh cũng không chống đỡ nổi. Và sự thoái lui dường như là một phản ứng bảo vệ của cơ thể, con người như trốn về thời thơ ấu để được che chở, được an toàn, thoát khỏi các "đòn đánh" của cuộc sống.
Theo tiến sĩ Bưởi, triệu chứng thoái lui có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, thậm chí ở người già. Ngoài các trẻ em, bản thân bà từng tiếp nhận điều trị một số phụ nữ bị rối loạn stress sau sinh, có những biểu hiện như trẻ lên 5, lên 6: Ăn nói nũng nịu, điệu bộ trẻ con, có thể khóc nhè ngay khi không vừa ý...
Rất hiếm khi bệnh nhân có triệu chứng thoái lui tự điều chỉnh được để trở về bình thường, tiến sĩ Lã Thị Bưởi cho biết. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ càng ngày càng nặng, lâu ngày sẽ càng khó quay trở lại bình thường, hoặc dẫn đến các bệnh cảnh tâm thần nguy hiểm khác không thể lường hết được. Do đó, các trường hợp như bé Trâm cần được điều trị ngay bằng các liệu pháp tâm lý, có thể phải dùng thuốc.
Quá trình điều trị hội chứng thoái lui rất phức tạp và tốn kém về trí tuệ, thời gian và cả tiền bac. Cần có nhà chuyên môn rất sâu, rất hiểu tâm lý trẻ, có phòng trị tâm lý liệu chuyên biệt. Bệnh nhân được chơi trong phòng này (có rèm che để chuyên gia có thể quan sát mà người bệnh không biết). Qua quan sát bệnh nhân, thày thuốc sẽ có những đánh giá cụ thể để tìm cách can thiệp hiệu quả.
Với trường hợp bé Trâm, tiến sĩ Bưởi khuyên không nên để những người đến thăm hỏi han khơi lại chuyện cũ, bởi sẽ nhắc lại nỗi đau, gợi lại hồi ức về sang chấn. Việc này như nhấn sâu thêm cái gai còn chưa rút được khỏi da thịt, và khiến bệnh nhân càng muốn "chạy trốn" khỏi thực tại, việc điều trị sẽ càng khó khăn.
Hải Hà