Đã bốn năm từ khi Guardiola dẫn dắt Man City đá trận đầu tiên ở Cup châu Âu, một chiến thắng hủy diệt 5-0 trước Steaua Bucharest, ngay sau đó là màn ra mắt bóng đá Anh với thắng lợi 2-1 trước Sunderland. Đó là lúc ông dùng Kevin De Buyne và David Silva, những số 10 trước đó, chơi ở vị trí số 8. Rồi Guardiola cho họ ra đá cánh, còn Sergio Aguero lên chơi tiền đạo cắm. Fernandinho, trước kia chỉ biết chơi tiền vệ con thoi, được chuyển thành tiền vệ cầm nhịp ngay trước hàng phòng ngự, rồi sau này được tận dụng cả ở khu trung vệ.
Đội bóng của Guardiola có nhiều tài năng, và cá nhân ông luôn tìm cách phá vỡ các biên giới sáng tạo. Các pha đập nhả của De Bruyne với Silva là điều gì đó rất đặc biệt mà trước đây Man City chưa từng thấy. Suốt bốn năm, nhiều lần Guardiola gây ngạc nhiên khi bố trí đội hình, với xu hướng tối đa hóa số cầu thủ sáng tạo trên sân. Người chơi tiền vệ cầm nhịp có thể đá trung vệ, tiền vệ sáng tạo chơi hậu vệ cánh, sử dụng tất cả biến thể như số 9 ảo, các loại hệ thống chiến thuật khác nhau để phát huy khả năng tấn công. Và các thể nghiệm của Guardiola thường thành công.
Nếu không phải là Guardiola, rất ít HLV dám nghĩ đến chuyện kéo Javier Mascherano về đá trung vệ khi còn ở đỉnh cao phong độ, vì khả năng điều tiết nhịp độ trận đấu của anh là hàng hiếm. Ông cũng thành công trong việc đẩy Messi lên chơi tiền đạo ảo, khi còn dẫn dắt Barca, tạo ra chiến thắng lịch sử 6-2 trước Real Madrid ở mùa giải 2008-2009.
Vì những lý do đó, việc Guardiola sử dụng đội hình lạ lẫm trước Lyon trong trận tứ kết Champions League hôm 14/8 là không quá ngạc nhiên. Nhưng lần này, nó lại trở thành kỳ cục. Ông bố trí năm hậu vệ và hai tiền vệ phòng ngự trên sân, trước đối thủ xếp thứ bảy tại Ligue 1 mùa này. "Nếu là cầu thủ Lyon, hẳn họ sẽ sợ hãi khi nghĩ đến việc phải chạy cật lực trước sức công phá của đối phương, thứ đã trở thành thương hiệu về Man City dưới thời Guardiola", Sky Sports bình luận.
Nhưng trên sân Jose Alvalade hôm 14/8, chỉ De Bruyne và Raheem Sterling mang cho họ cảm giác đó. Phần nào đó là Gabriel Jesus. David Silva, Bernardo Silva, Riyad Mahrez và Phil Foden ngồi dự bị. Hậu vệ tấn công tốt nhất Benjamin Mendy cũng vậy. Guardiola có sáu cầu thủ tấn công tốt, nhưng chỉ cho ba người đá chính.
Các cầu thủ cũng được dặn phải chơi thận trọng hơn. Sơ đồ 3-5-2 giúp Man City luân chuyển bóng thoải mái bên sân nhà. Nhưng quá ít cầu thủ phía trên khiến họ khó thay đổi tốc độ. Fernandinho không dám dâng cao, vì sợ sẽ bị đánh sau lưng, với các quả chuyền dài và đua tốc độ. Trước đây Kyle Walker được khuyến khích tấn công, thì lần này chăm chăm giữ chỗ. Joao Cancelo băng lên nhiều hơn ở cánh trái, nhưng việc thuận chân phải khiến anh khó chồng biên. Những quả tạt vào vòng cấm cũng tốt, nhưng Man City vẫn nhớ các pha leo biên của Mendy.
Việc sử dụng Rodri và Guendogan khiến khâu liên kết các tuyến của Man City rất kém. Bộ ba tấn công làm việc của họ, bảy cầu thủ phòng ngự lo việc riêng. Man City đá với sơ đồ 7-3 hơn là 3-5-2. "Chúng tôi cố gắng vá víu các điểm yếu và phát huy điểm mạnh", Guardiola giải thích và không giấu vẻ khổ sở trong cuộc họp báo sau trận. Thần thái ấy làm đặt ra câu hỏi: "Liệu đây có phải đội bóng được đầu tư nhất thế giới?"
Guardiola có thể đã bị "danh tiếng phòng ngự" của Lyon làm cho hoa mắt. Lyon không cho Juventus sút trúng đích lần nào trong trận lượt đi vòng 1/8. Họ nhận trung bình dưới một bàn thua mỗi trận ở giải VĐQG. "Trong 20 phút đầu, chúng tôi không thể tìm ra khoảng trống để tấn công", Guardiola thừa nhận. Ông đã sai khi không dám là bản thể của chính mình, mà phải dùng sự thực dụng của Jose Mourinho.
Những gì diễn ra trước Lyon tương tự kịch bản trên sân Liverpool cách đây hai năm. Guardiola cất Sterling lên ghế dự bị, cho Gundogan đá tiền vệ phải, và Man City bị Liverpool dẫn 0-3 chỉ sau nửa giờ. Mùa trước, khi gặp Totteham, đến lượt De Bruyne ngồi dự bị. Guardiola dùng hai tiền vệ phòng ngự và Man City thua 0-1 trước Tottenham ở trận lượt đi.
Các học trò thậm chí không hiểu được Guardiola. De Bruyne nhiều lần kể rằng anh và đồng đội không rõ ông thầy cho đá thế nào ở trận tiếp theo. Nguồn tin từ The Athletic kể lại, trên sân tập ở Bayern, cảnh tượng cầu thủ chạy đến hỏi Guardiola: "Giờ chúng ta làm gì tiếp theo?" đã trở nên quen thuộc. Sau trận đấu với Lyon, ông nói: "Đã cho cầu thủ tập đá sơ đồ năm hậu vệ trong ba ngày liên tiếp", nhưng đó có thể cũng là một bào chữa cho thành tích phòng ngự của học trò. Theo The Athletic, Guardiola chuẩn bị lối đá đó không phải để gặp Lyon, mà là chờ Barca hoặc Bayern.
Hồi tháng Hai, The Athletic phỏng vấn một vài nhân vật để hỏi về "bệnh nghĩ nhiều" của Guardiola. Họ nhận được nhiều ý kiến xác đáng. Có người phản ứng quá khích, ví dụ cựu Giám đốc Kỹ thuật Michael Reschke của Bayern gọi những ý tưởng này là "hoàn toàn nhảm nhí". Nhưng, cũng có người phân tích kĩ hơn. Ví dụ Thomas Mueller nói: "Trong các trận đấu loại trực tiếp, Guardiola chú ý quá nhiều đến đối thủ và điểm mạnh của họ. Ông ấy luôn giằng xé giữa việc chơi hoàn toàn theo cách của mình, hay tập trung khắc chế đối phương. Ông ấy thường nói: 'Chúng ta sẽ mạo hiểm nếu ta biết họ là ai'. Chỉ khi hiểu tường tận đối thủ, Guardiola mới liều lĩnh. Đôi khi, chúng tôi không chắc một trăm phần trăm mình phải làm gì".
Tất nhiên, cú đá lên trời của Sterling trước khung thành trống, hoặc sai lầm dẫn đến bàn thua 1-3 của Ederson, là điều Guardiola không kiểm soát được. Nếu Sterling sút vào, sự thể đã khác. Nhưng sai lầm theo kiểu "tự thay đổi bản thân" đã lặp lại ba lần trong các thời điểm quan trọng của Man City tại Champions League. Guardiola nghĩ ra, rồi thực hiện. Nên khi vận may không mỉm cười, ông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Đỗ Hiếu