Ảnh: testimonials.epromos.com. |
Vân 26 tuổi, khá xinh đẹp, hiện đại, đang làm thư ký cho một văn phòng công ty đa quốc gia. Với mức lương của cô hiện nay và với tình trạng còn độc thân, ai cũng nghĩ rằng cô sống rất thoải mái. Mà thật sự mọi người thấy cô luôn thích đi mua sắm, khi thì đi một mình, lúc đi với bạn bè. Gần như ngày nào cô cũng phải ghé vào một cửa hàng nào đó với ý định ban đầu là mua một vài món cần thiết nhưng thường thì lúc ra là... cả một túi xách lớn.
Bạn bè đến thăm nhà, thấy cô có đến hàng trăm đôi giày xếp đầy cả 2 tủ lớn, trong đó có nhiều đôi còn gắn nguyên bảng giá chứng tỏ chủ nhân của nó chưa mang bao giờ. Cô giải thích rằng cô mua chúng chỉ vì không thể cưỡng lại ý muốn phải mua đôi giày đó khi trông thấy chúng chứ thật ra cô không có nhu cầu mang nó.
Một thời gian sau, mọi người thấy cô bắt đầu mượn tiền đồng nghiệp để tiêu vặt. Rồi mọi người thấy cô không đi mua sắm nữa trong vài ngày nhưng đồng thời tính tình cô cũng thay đổi rõ rệt như không thể tập trung vào công việc, hay ngồi một mình, không nói chuyện với ai, khó ngủ, kém ăn, dễ giật mình... Cô cảm thấy dường như mình không còn tồn tại trên thế gian này. Bạn bè khuyên cô nên đến bác sĩ tâm thần khám và cô được chẩn đoán là xung động mua sắm trên bệnh nhân bị rối loạn hỗn hợp lo âu - trầm cảm.
Theo bác sĩ Lê Quốc Nam, những bệnh nhân bị xung động mua sắm thường bị thúc giục phải thường xuyên đi mua những món đồ không thật sự cần thiết và hậu quả thường gặp là chúng gây ra những khó khăn về mặt tài chính hoặc những rắc rối trong các mối quan hệ gia đình, xã hội, nghề nghiệp... Gần như tất cả bệnh nhân này đều ý thức rất rõ là mình thường mua những món đồ mà mình không cần nhưng vẫn không thể cưỡng lại nhu cầu tiếp tục đi mua sắm. Rối loạn này thường gặp ở nữ nhiều hơn nam khoảng 9 lần.
Vòng luẩn quẩn mua sắm và nợ nần
Theo Hiệp hội Người tiêu dùng Australia, tỷ lệ người bị xung động mua sắm ngày càng tăng. Cứ khoảng 12 người mua sắm ở Australia thì có 1 người bị rối loạn này. Người bị xung động mua sắm có thể đi mua sắm đều đều suốt năm nhưng thường họ đi mua sắm nhiều hơn vào các dịp lễ, Tết.
Khởi đầu của quá trình đi mua sắm bao giờ cũng giống nhau, vào tiệm với ý định mua một hay hai món nhưng bao giờ khi ra khỏi tiệm cũng... là một túi xách rất to. Đôi lúc sau khi ra khỏi tiệm họ cũng chẳng nhớ nổi là mình đã mua những thứ gì và với mục đích nào cho mỗi món. Những vật mua thường là y phục, nữ trang, giày dép, CD... Đồ mua về họ thường đem về cất vào kho và ít khi sử dụng. Họ cũng hay giấu biệt các món đồ mua được để tránh bị trách móc bởi người thân hoặc là nói dối về số tiền mua (nói giá thấp hơn thực tế). Xung động mua sắm về bản chất cũng giống như nghiện rượu, nghiện cờ bạc hay chứng ăn vô độ.
Thông qua việc mua sắm, họ cảm thấy tự tin, thoải mái hơn và quên đi những khó khăn khác trong cuộc sống, đôi khi họ cảm thấy rằng chỉ thông qua việc mua sắm họ mới có cảm giác tồn tại hoặc tự khẳng định giá trị bản thân. Nhưng những cảm giác dễ chịu này chỉ tồn tại một cách tạm thời và thoáng qua nên sau đó để tiếp tục có những cảm giác này họ lại phải đi mua sắm tiếp.
Sau khi mua sắm thỏa thuê, họ cũng có cảm giác ăn năn hối hận vì đã tiêu xài không hợp lý nhưng qua ngày hôm sau khi đứng trước cửa tiệm thì những ý nghĩ hối hận này đã biến mất. Nếu gia đình hay bạn bè góp ý về thói quen mua sắm vô lý này thì họ thường phủ nhận vấn đề, tìm cách biện hộ và giấu đi các đồ vật mà họ mua được. Kết quả cuối cùng là đa số rơi vào tình trạng nợ nần, thiếu thốn và các quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thường trở nên xấu đi, thí dụ như ly dị, mất bạn bè vì mượn tiền hoài mà không trả... Ngoài ra, những người này cũng thường bị kết hợp các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống...
Bác sĩ Nam cũng cho biết, nếu bị rối loạn này bạn nên đi khám bác sĩ tâm thần để được tư vấn tâm lý hoặc điều trị khi cần thiết. Để hạn chế tình trạng xung động mua sắm, trước khi vào tiệm mua sắm phải chuẩn bị sẵn một danh sách những thứ cần mua tại nhà, suy nghĩ cẩn thận về sự cần thiết khi lên danh sách mỗi món và khi vào tiệm chỉ mua đúng các thứ cần thiết đã ghi trong danh sách rồi sau đó đi ra ngay, đừng nhìn ngó lung tung. Mang theo một lượng tiền mặt vừa đủ. Nên đi mua sắm chung với bạn bè, người thân để họ khuyên can mình khi cần thiết. Tránh xem các chương trình quảng cáo hay khuyến mãi quá nhiều. Tránh đi mua sắm khi bị stress, trầm cảm, lo âu...
* Tên nhân vật đã được thay đổi
(Theo Người Lao Động)