TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết như trên tại Hội nghị giới thiệu các hướng dẫn và chính sách mới trong công tác phòng chống lao đến 63 tỉnh thành do Chương trình Chống lao quốc gia phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức ngày 9/1 tại Hà Nội.
Lao là bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh lây truyền qua đường không khí nên rất khó kiểm soát. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đang ở vị trí thứ 12 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đứng thứ 10 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm nước ta có thêm 182.000 người mắc lao và khoảng trên 13.000 người tử vong do bệnh này, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Số bệnh nhân lao được phát hiện, điều trị tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 57% số thực tế trong cộng đồng. Như vậy, còn khoảng 43% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.
Hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao cũng chưa đầy đủ, người dân kỳ thị, mặc cảm, không thấy được sự nguy hiểm của việc giấu bệnh hoặc trì hoãn nên phát hiện muộn. Điều này làm lây lan bệnh cho người khác hoặc không tuân thủ điều trị dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
Theo TS Lượng, điều trị lao hiện nay rất dễ dàng, có đầy đủ thuốc và được bảo hiểm y tế thanh toán, người bệnh dễ tiếp cận. Song, việc phát hiện bệnh còn là vấn đề đáng lo ngại khi gần một nửa số bệnh nhân không biết bệnh.
"Mạng lưới y tế cơ sở vào cuộc sàng lọc phát hiện sớm lao để không bỏ sót bệnh nhân, kể cả trường hợp không triệu chứng, mới chấm dứt bệnh lao như các nước phát triển", TS Lượng nói, thêm rằng Chương trình chống lao quốc gia đang tập trung nguồn lực để mở rộng chẩn đoán và phát hiện bệnh.
Tại hội nghị, ThS.BS Mai Thu Hiền, Giám đốc Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao, thuộc tổ chức FHI 360, cho biết, từ năm 2020 dự án phối hợp Chương trình Chống lao Quốc gia triển khai hoạt động, sáng kiến mới nhằm tăng cường năng lực hệ thống khám chữa bệnh lao tại cộng đồng và cơ sở y tế nhằm phát hiện, điều trị và dự phòng lao. Dự án này hỗ trợ chương trình lao ở cấp quốc gia và tại 11 tỉnh, bao gồm An Giang, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Với hỗ trợ của USAID, Chương trình Chống lao quốc gia đã triển khai chiến lược chẩn đoán 2X trên toàn quốc. Chiến lược này kết hợp X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert (công nghệ xét nghiệm sinh học phân tử nhanh) giúp phát hiện nhiều ca lao ngay từ khi bệnh mới khởi phát. Phát hiện sớm giúp ngăn ngừa bệnh lây lan vừa cứu tính mạng người bệnh. Dự án đào tạo, giám sát nhân viên y tế sử dụng chiến lược 2X nâng cao hiệu quả và phạm vi tiếp cận.
Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 và duy trì kiểm soát nhằm giảm 90% tỷ lệ mắc lao, giảm 95% tỷ lệ tử vong do lao và giảm các chi phí thảm họa đối với bệnh nhân xuống bằng không.
Lê Nga