Vốn là một thiếu niên năng động, Christian Denis đột ngột bỏ học chỉ để ở nhà ngủ. Vấn đề kéo dài từ mùa hè năm nhất đến năm thứ hai. Chàng trai khỏe mạnh không còn chơi bóng rổ với bạn bè như trước đây. Một thời gian sau, tất cả biểu hiện kết thúc, Denis trở lại bình thường.
Christian Denis, hiện 39 tuổi, cho biết năm 1999, anh và bạn gái mắc bệnh bạch cầu đơn nhân, do virus Epstein-Barr (EBV) gây ra, còn được gọi là "bệnh hôn" ở tuổi vị thành niên. EBV được truyền qua nước bọt, có thể lây lan khi hôn, dùng chung ly, cốc hoặc dụng cụ ăn uống.
19 tuổi, Denis tiến triển các triệu chứng lạ như hoa mắt, khó chỉ tay, nhấc tay và cầm nắm đồ vật. Denis cũng được chẩn đoán mắc đa xơ cứng, một căn bệnh mạn tính ở não và tủy sống, gây các triệu chứng như tê liệt, rối loạn chức năng nhận thức.
Gần đây, các nhà khoa học nhận định căn "bệnh hôn" do EBV là yếu tố quan trọng dẫn đến chứng đa xơ cứng của Denis. Giới chuyên gia hy vọng hiểu rõ hơn về mối liên hệ này, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả.
Quan điểm căn bệnh do virus lây nhiễm trong thời gian ngắn có thể dẫn đến các biến chứng mạn tính, tồn tại nhiều năm sau đó, hiện vẫn tương đối mới trong y học. Tiến sĩ Lawrence Steinman, chuyên gia thần kinh và đa xơ cứng tại Stanford, cho biết: "Đây có thể là tuyên bố táo bạo, nhưng đúng là có khả năng hầu hết bệnh tự miễn thường do vi khuẩn, virus".
EBV là virus liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, gồm u lympho Hodgkin và viêm khớp dạng thấp. Giáo sư Alberto Ascherio, Đại học Harvard, nghiên cứu hơn 10 triệu thành viên quân đội Mỹ và phát hiện nguy cơ phát triển đa xơ cứng của họ tăng gấp 32 lần sau khi nhiễm EBV, ngang với tỷ lệ ung thư do hút thuốc.
"Đây là bước tiến lớn, cho thấy có thể ngăn chặn hầu hết trường hợp đa xơ cứng bằng cách phòng tránh nhiễm EBV, từ đó tạo ra phương thuốc tiềm năng", giáo sư Ascherio nói.
Theo các chuyên gia, một số thanh thiếu niên nhiễm EBV vào những năm 20 tuổi. Các chuyên gia ước tính hơn 90% người dân toàn thế giới nhiễm virus, nhưng chưa đến 0,5% phát triển bệnh đa xơ cứng.
Hầu hết trẻ nhỏ mắc EBV hoàn toàn không có triệu chứng. Ở thanh niên, bệnh thường gây mệt mỏi, khiến cơ thể kích hoạt phản ứng miễn dịch quá mức, làm tăng nguy cơ chuyển thành bệnh đa xơ cứng.
Tiến sĩ Steinman phát hiện hai yếu tố bổ sung, thúc đẩy sự phát triển của căn bệnh này. Đầu tiên là do di truyền. Thứ hai là mức độ liên kết giữa kháng thể EBV và protein vào những thời điểm cụ thể.
Một số thanh niên mắc đa xơ cứng bị giảm khả năng vận động, trở nên vụng về, rời rạc, cứng cơ và co thắt. Số khác tê liệt, rối loạn chức năng nhận thức hoặc tiểu tiện không tự chủ. Hiện có nhiều loại thuốc giúp kiểm soát căn bệnh, nhưng không có cách chữa khỏi. Bệnh hiện ảnh hưởng đến khoảng một triệu người trên khắp nước Mỹ.
Roxane Beygi là một bệnh nhân mắc chứng đa xơ cứng, phải điều trị chuyên sâu. Được chẩn đoán bệnh vào năm 14 tuổi, giống Denis, cô cũng trải qua các cơn mệt mỏi tột độ kéo dài nhiều tháng. Beygi quyết định ghép tế bào gốc - quá trình đầy rủi ro và tốn kém. 12 năm sau, cô phục hồi gần như hoàn toàn, chỉ bị run tay khi viết chữ.
Các chuyên gia cho rằng tìm hiểu về cách thức, thời điểm nhiễm EBV và cơ chế phát triển thành đa xơ cứng sẽ mở ra hy vọng trong phòng ngừa và điều trị. Họ đề xuất tiêm vaccine cho trẻ em, phòng ngừa chứng "bệnh hôn" ở tuổi thiếu niên. Moderna đang thử nghiệm một vaccine như vậy, trong giai đoạn đầu.
Thục Linh (Theo Insider)