Ngày 12/10, đại diện Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết người bệnh tiền sử khỏe mạnh, một tháng nay thấy khó thở, tức ngực khi gắng sức. Khám lâm sàng ghi nhận thể trạng tốt, chỉ số oxy trong máy (SpO2) 96%, phổi giảm thông khí hai bên.
Các bác sĩ chụp cắt lớp vi tính ngực thấy tổn thương lan tỏa hai phổi, là nguyên nhân gây khó thở. Kết quả xét nghiệm dịch phế quản và phim chụp cắt lớp vi tính ngực chẩn đoán bệnh nhân mắc "bệnh tích protein phế nang" - một tình trạng tại phổi được gây ra bởi sự tích tụ protein và các chất khác một cách bất thường trong các phế nang, cản trở trao đổi khí. Đây là một căn bệnh rất hiếm gặp, thường phát triển ở người lớn nhưng cũng có thể là bẩm sinh.
Tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới so với phụ nữ, ảnh hưởng người trong độ tuổi từ 30 đến 60. Các yếu tố phơi nhiễm như bụi và hút thuốc làm tăng nguy cơ gây bệnh.
Triệu chứng của người mắc bệnh tích protein phế nang gồm mệt mỏi, khó thở, sụt cân, đau ngực, sốt, ho, nồng độ oxy trong máu thấp.
Các bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp rửa phổi. Đây là thủ thuật xâm lấn bằng cách làm sạch từng bên phổi bằng một lượng lớn nước muối sinh lý, trong khi bên phổi còn lại đảm nhận chức năng hô hấp.
Sau khi được rửa phổi, người bệnh đỡ khó thở, các thông số chức năng phổi cải thiện, xuất viện.
Theo các bác sĩ, hầu hết bệnh nhân đều cải thiện khá tốt các triệu chứng khó thở, ho, nâng cao nồng độ oxy trong máu sau khi được rửa phổi một lần. Tuy nhiên, rửa phổi không là cách điều trị triệt để, vẫn có một số người cần rửa phổi lặp lại sau một thời gian dài tái phát.
Ngoài ra, người bệnh cần được hướng dẫn các biện pháp nâng đỡ khác như tránh tiếp xúc với độc tố hoặc chất kích thích, thở oxy, dùng thuốc giãn phế quản nếu có các triệu chứng giống hen suyễn.
Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân khi có triệu chứng bất thường cần đi khám ngay.
Thúy Quỳnh