Nữ bệnh nhân sớm nhận ra cơ thể mình có điểm bất thường khi "không thể chống chọi lại cảm giác muốn nhắm mắt vì kiệt sức". Davis đã tìm đến các bác sĩ và chuyên gia y tế, nhưng không nhận được lời giải thích thỏa đáng. Họ chỉ đơn giản khuyên cô "uống cà phê nhiều hơn".
Đến khi tham gia vào một nghiên cứu lâm sàng năm 2023, cô mới phát hiện bản thân mắc chứng rối loạn chức năng giấc ngủ vô căn. Theo Sleep Foundation, đây là chứng rối loạn giấc ngủ mạn tính hiếm gặp, đặc trưng là tình trạng buồn ngủ quá mức không rõ nguyên nhân. Căn bệnh chỉ ảnh hưởng đến 50 trên một triệu người. Các triệu chứng của bệnh gồm chóng mặt, choáng váng khi đứng dậy, đau đầu, tê liệt khi ngủ trong thời gian ngắn và sương mù não.
Davis bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khi còn nhỏ. Ba mẹ thường xuyên phải cho cô ngủ trưa. Cô bị kiệt sức liên tục, đến nỗi tầm nhìn mờ đi. Đôi khi, đang ngồi trong lớp và háo hức với các môn học yêu thích, cô đột ngột cảm thấy cạn năng lượng và rơi vào giấc ngủ sâu.
Sự mệt mỏi của Davis ngày càng tăng khi vào trung học. Cô ngủ gật trong lớp, thậm chí phải rời đi chỉ để chợp mắt. Davis nhớ lại cô thường xuyên ngã quỵ vì kiệt sức khi tập nhảy, sau đó không thể đứng dậy trở lại.
Davis cho biết đôi khi cô phải lên kế hoạch hàng giờ để hoàn thành những công việc đơn giản. Tình trạng này khiến suy nghĩ của bệnh nhân bị cản trở, mất hoàn toàn khả năng tập trung.
"Tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng chỉ để đi tắm. Tôi ngủ 10, 12, đôi khi là 14 tiếng mà khi dậy vẫn thấy mình như vừa thức suốt đêm", cô nói.
Sau khi tham gia thử nghiệm giấc ngủ, Davis được yêu cầu ngủ trong 14 giờ liên tục. Kết quả cho thấy cơ thể cô chưa từng bước vào trạng thái ngủ sâu cần thiết để thực sự nghỉ ngơi.
Hiện, cô được bác sĩ kê một loại thuốc đặc biệt để điều trị tình trạng này. Davis chia sẻ câu chuyện của bản thân để giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về chứng rối loạn giấc ngủ, khuyến khích mọi người tìm kiếm nơi thích hợp khám bệnh.
Thục Linh (Theo NY Post)