Tài giỏi, thu nhập cao và có gương mặt thu hút, nhiều phụ nữ và cả đàn ông vẫn đi về lẻ bóng ở độ tuổi xế chiều. Một số người cho biết họ cảm thấy cuộc sống độc lập khá thoải mái, vững vàng về kinh tế nên chưa cần tìm một ai đó để dựa vào. Số khác chỉ đơn giản là sợ hôn nhân và những trách nhiệm kéo theo.
Tại Trung Quốc, người trẻ không muốn kết hôn sớm. Số lượng đám cưới đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2021, nước này ghi nhận 7,63 triệu cuộc hôn nhân, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 40% so với một thập kỷ trước đó. Thực tế, đây là con số thấp kỷ lục kể từ 1986.
Thuật ngữ sheng-nu, tức là "Những phụ nữ còn sót lại", được sử dụng phổ biến tại Trung Quốc để chỉ người trên 27 tuổi, có trình độ học vấn nhưng chưa lập gia đình. Người trẻ đôi khi dùng thuật ngữ kong hun zu để chỉ "hội chứng sợ kết hôn" ở cả hai giới tính.
Tại Hàn Quốc, cụm từ sampo, tức là "thế hệ bỏ 3" xuất hiện nhiều trên truyền thông, dùng để chỉ những người trẻ chọn từ bỏ ba điều được coi là quan trọng trong cuộc sống, bao gồm hẹn hò, kết hôn và sinh con.
Ở Nhật Bản, tỷ lệ dân số độc thân tăng lên đáng kể trong ba thập kỷ qua. Vào năm 2015, cứ 4 phụ nữ thì có một người độc thân ở độ tuổi 30. Con số này ở nam giới là một trên ba người. Truyền thông Nhật Bản gọi họ là những "động vật ăn cỏ", để phân biệt với nhóm "động vật ăn thịt", thường chỉ những người quan tâm nhiều đến chuyện hẹn hò, yêu đương và kết hôn ở độ tuổi nhất định.
Đủ lý do để không kết hôn
Về góc độ tâm lý, người độc thân có xu hướng cởi mở với những trải nghiệm, những mối quan hệ mới hơn. Đối với một số người, đời sống hẹn hò hoặc hôn nhân có thể gây mệt mỏi và căng thẳng. Họ không muốn bị tổn thương, không sẵn sàng bước vào mối quan hệ bởi họ coi trọng hạnh phúc của bản thân hơn những điều khác.
Nhiều người thích hẹn hò, nhưng không có kế hoạch tiến đến mối quan hệ nghiêm túc hoặc hôn nhân. Họ tận hưởng cuộc sống nói chung mà không cần một người khác bên cạnh để động viên, làm chỗ dựa. Những người này thường đi chơi, du lịch, tán gẫu với bạn bè hoặc theo đuổi sự nghiệp. Những hoạt động đó khiến họ phấn khích hơn là ở trong một mối quan hệ thời gian quá dài.
Ảnh hưởng sức khỏe
Tuy nhiên, cuộc sống độc thân không có lợi về nhiều mặt, đặc biệt là sức khỏe. Theo nghiên cứu tổng hợp công bố năm 2018 trên Tạp chí Heart, người độc thân có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ, nguy cơ tử vong nói chung cao hơn so với người đã kết hôn.
Phân tích dựa trên dữ liệu từ 34 nghiên cứu, có sự tham gia của 2 triệu tình nguyện viên. Các nhà khoa học nhận định người chưa từng kết hôn có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao gấp rưỡi những người đã lập gia đình.
Nghiên cứu khác của Đại học Havard cho thấy đàn ông chưa kết hôn có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao gấp ba lần so với người đã lập gia đình.
Các chuyên gia cho biết, người đã lập gia đình thường cải thiện các vấn đề sức khỏe nhờ vào sự hỗ trợ của bạn đời. Như vậy, tình trạng hôn nhân là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thang đo sức khỏe tim mạch.
Phụ nữ độc thân cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư vú hơn. Thực tế, 8% đến 10% các trường hợp ung thư vú được ghi nhận ở người không có con (lựa chọn không sinh con hoặc không thể sinh con vì lý do y tế) và những người từ chối cho con bú.
Theo giáo sư Gopinath KS, giám đốc Healthcare Global Enterprises, sống độc thân quá lâu làm mất cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ, tăng nguy cơ ung thư. Ông giải thích sữa mẹ do hormone prolactin tạo ra. Trong giai đoạn cho con bú, phụ nữ ít tiếp xúc với estrogen và progesterone hơn. Như vậy, họ ít có khả năng phát triển ung thư.
Bên cạnh đó, người đã kết hôn dễ dàng thích nghi với căng thẳng, bởi đã có vợ hoặc chồng làm chỗ dựa về tinh thần, nguồn lực để ngăn ngừa hoặc giải quyết các vấn đề sức khỏe.
Đàn ông đã kết hôn có nguy cơ trầm cảm thấp hơn, khả năng hài lòng với cuộc sống khi về già cao hơn người chưa lập gia đình. Kết hôn cũng tăng khả năng nhận thức, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, cải thiện lượng đường trong máu.
Trong khi đó, người sống đơn thân dễ có nguy cơ bị stress. Đây cũng chính là nguyên nhân hình thành các tế bào gây nên khối u, có thể phát triển thành ung thư, theo nghiên cứu tiền lâm sàng tại Đại học Chicago.
Thực tế, sống chung với người khác đôi khi có thể cứu sống bất cứ ai. Người bạn đời giúp phát hiện các triệu chứng tiềm ẩn của những bệnh nan y, bệnh mạn tính sớm hơn, giúp điều trị kịp thời và hiệu quả. Khi có hai nguồn thu nhập (từ cả vợ và chồng), việc chăm sóc sức khỏe, bao gồm khả năng tiếp cận với các dịch vụ phục hồi chức năng sau điều trị trở nên thuận lợi.
Thục Linh (Theo Guardian, Business Insider, Time)