![]() |
Ký sinh trùng nguy hiểm này có mặt ở ao, hồ, sông... Ảnh: Impe-qn.org. |
Theo các bác sĩ, ký sinh trùng nguy hiểm này là loài vi sinh vật đơn bào có tên khoa học là Naegleria fowleri .
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) lý giải, ký sinh trùng "ăn não người" như trường hợp mới đây ở TP HCM không phải là amip thực sự.
Bệnh do amip rất cổ điển, mô tả từ lâu, những nước nhiệt đới như nước ta có ghi nhận sự lưu hành của amip. Khi ăn phải thức ăn, rau sống, tay bẩn có dính kén amip, nó vào trong cơ thể xuống đến tận ruột già. Tại đây, nếu gặp điều kiện thuận lợi, ký sinh trùng phá vỡ vỏ chuyển thành thể amip hoạt động, gây chứng lỵ, đau quặn, đi ngoài ra phân, máu... hoặc đơn giản bị rối loạn tiêu hóa. Đại đa số trở thành bệnh amip ruột mãn tính.
Tỷ lệ người Việt Nam nhiễm amip cao, trong đó phân thành 2 thể: amip tại ruột và amip ngoài ruột. Amip ngoài ruột nghĩa là ký sinh trùng từ ruột đi vào cơ thể qua đường máu xâm nhập một số cơ quan gây nên các ổ áp xe, gây mủ, điển hình là áp xe gan do amip- những trường hợp này các bác sĩ gặp nhiều. Nhưng những trường hợp lên não gây áp xe não rất hiếm, chỉ ở những người có hệ thống bảo vệ rất kém, thạc sĩ Hà nhấn mạnh.
Theo tài liệu của Đại học Standford, Naegleria fowleri là một trùng roi amip sống tự do trong nhiều môi trường đất, nước như ao hồ, sông suối nước ấm (không ghi nhận ở biển). Nó xâm nhập vào cơ thể con người qua đường mũi (bị sặc, nước xộc lên mũi), vào não bộ để ký sinh, tồn tại ở đó và ăn các tế bào thần kinh cho đến khi người bệnh tử vong. Biểu hiện người mắc giống như bị viêm não.Trong bài viết của bác sĩ Nguyễn Võ Hinh đăng trên trang của Viện Sốt rét ký sinh trùng Quy Nhơn cũng khẳng định, Naegleria fowleri không phải là một amíp thật sự nhưng sinh vật này thường được gọi là một amíp cho thuận tiện.
Đồng tình với quan điểm này, một bác sĩ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho rằng, ký sinh trùng Naegleria fowleri tồn tại khá phổ biến ở vùng nước bẩn. Bản chất nó không thuộc họ amip nhưng vì có hình dáng, đặc tính khá giống với amip nên nhiều người có thói quen gọi luôn nó là amip.
Cũng theo bác sĩ này thì, loài vi sinh vật này nguy hiểm nhưng người dân không nên quá hoang mang vì đây là bệnh lý vô cùng hiếm gặp. Nhưng cũng bởi hiếm gặp nên ít người nghĩ đến nguy cơ nhiễm ký sinh trùng này. Nó cũng gây viêm não, màng não, vì thế khi bệnh nhân nhập viện, bác sĩ thường điều trị ngay theo các căn nguyên thông thường, không trúng vào nó nên không hiệu quả. Hậu quả là bệnh nhân bị điều trị muộn, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh vì bệnh diễn tiến nhanh, nhanh chóng gây tổn thương não, phù não trầm trọng.
Nếu nghĩ đến loại ký sinh trùng này, người ta chọc dịch não tủy và soi ngay lập tức thì sẽ thấy nó. Nếu để lâu thì sẽ không thấy bởi ký sinh trùng này sẽ chết.
Khó khăn nữa là cùng gây biểu hiện viêm não, viêm màng não nhưng việc điều trị lại rất khác biệt. Naegleria fowleri là loài đơn bào, nhạy cảm với các thuốc kháng nấm. Trong khi, các bác sĩ thường điều trị bằng kháng sinh theo căn nguyên thường gặp là vi khuẩn, các loại kháng sinh này lại không đặc hiệu với ký sinh trùng kia.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cũng cho biết, người dân không nên hoang mang bởi Naegleria fowleri có trong ao hồ, sông ngòi, đầm nước ngọt nhưng khả năng gây bệnh là rất hiếm. Từ năm 2002 đến năm 2011 chỉ có 32 ca được nghi nhận tại Mỹ. Tuy nhiên, khi đã mắc thì tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 99%.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Hoan Phú, Phó trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM thì rất khó phòng ngừa amip naegleria vì môi trường sống của loại ký sinh trùng này quá rộng và chưa có phương pháp tiêu diệt.
“Chính vì thế những người sống bằng nghề thường xuyên tiếp xúc với nước sông hồ, ao đầm hoặc các bạn trẻ đi tắm sông hồ, đặc biệt là bị ho sặc trong lúc ngâm mình trong nước thì nên đến bệnh viện khám. Người có triệu chứng cần khai rõ với bác sĩ về việc đã có tiếp xúc với sông nước để được chẩn đoán chính xác hơn”, bác sĩ Phú nói. Cũng theo ông, thời gian ủ bệnh của amip là hai tuần.
Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, chuyên gia ký sinh trùng, cũng cho hay, bệnh xuất hiện trên thế giới nhưng rất rải rác và không phát triển thành dịch.
Triệu chứng lâm sàng chính của bệnh nhân thường là sốt nhẹ, đau đầu, cứng cổ. Vào thời kỳ cuối, khi não người bệnh đã bị phá huỷ nghiêm trọng, bệnh nhân có triệu chứng tâm thần, thay đổi hành vi, có ảo giác rồi tử vong.
Cũng theo bài viết của bác sĩ Nguyễn Võ Hinh, cách phòng bệnh tốt nhất là chỉ nên tắm, bơi, lặn ở những nơi nước sạch và sử dụng dụng cụ kẹp mũi bảo vệ khi bơi, lặn trong các hồ nước có nguy cơ có mầm bệnh. Hiện nay tại phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã tìm ra được loại thuốc có thể ngăn chặn Naegleria fowleri nhưng chưa điều trị thành công được một trường hợp nào trên các bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng này.
Nam Phương - Thiên Chương