Năm 1817, một người đàn ông ở hạt Mercer, Pennsylvania, bắt đầu chịu cơn đau răng tồi tệ nhất trong đời, gần như khiến ông phát điên. "Trong cơn đau đớn, ông chạy đi chạy lại với nỗ lực vô vọng để cảm thấy đỡ hơn. Có lúc ông ấy chúi đầu xuống đất như một con vật nổi điên, lúc thì thò đầu vào dưới góc hàng rào, lúc lại tới suối và nhúng đầu xuống nước lạnh. Điều này khiến gia đình hoảng sợ, đưa ông vào cabin và cố hết sức giúp ông tỉnh táo", nha sĩ WH Atkinson viết trên tạp chí Dental Cosmos năm 1860.
"Tuy nhiên, tất cả đều vô ích. 9h sáng hôm sau, khi ông ấy đang bước đi trên sàn trong cơn đau đớn, đột nhiên một âm thanh sắc nhọn giống như tiếng súng lục phát ra, một chiếc răng vỡ thành từng mảnh và khiến ông lập tức thấy nhẹ nhõm. Lúc này ông quay sang vợ và nói: 'Anh hết đau rồi'. Ông ấy đi nằm, ngủ ngon giấc cả ngày hôm đó và gần hết đêm hôm sau. Sau đó, ông trở nên tỉnh táo và khỏe mạnh", WH Atkinson viết tiếp.
Nha sĩ cũng miêu tả hai trường hợp khác vào năm 1830 và năm 1855. Tương tự người đàn ông ở Mercer, họ đau tăng dần, sau đó đến cơn đau nhói đột ngột, một chiếc răng vỡ ra và lập tức giảm đau. Trong một trường hợp, chiếc răng được ghi nhận là vỡ thành nhiều mảnh.
Đây không phải là những báo cáo riêng lẻ từ một nha sĩ. Nhiều báo cáo từ các nha sĩ khác cho thấy hiện tượng này, dù nghe rất kỳ lạ, đã thực sự xảy ra.
"Ngay trước vụ nổ, chiếc răng đau nhức khủng khiếp, làm xáo trộn sự cân bằng của mọi bộ phận trong cơ thể đến mức khiến cô ấy có lúc phải làm việc với tâm trí hơi khác thường", nha sĩ J. Phelps Hibler viết về một bệnh nhân năm 1874.
"Không có bất kỳ triệu chứng nào khác ngoài cơn đau dữ dội từ trước, chiếc răng hàm thứ nhất ở dưới bên phải, đột ngột phát nổ và suýt khiến cô ấy ngã nhào. Chiếc răng bị xẻ trực tiếp từ mặt gần lưỡi đến mặt gần má, vỡ vụn, đồng thời gây ra cảm giác khó chịu dọc theo ống Eustachian (vòi nhĩ), cuối cùng khiến cô ấy bị điếc trong một thời gian dài. Toàn bộ sự việc chỉ diễn ra trong khoảnh khắc và chiếc răng ngừng đau ngay lập tức", Hibler cho biết.
Vì các trường hợp răng nổ đã biến mất vào khoảng những năm 1920, giới chuyên gia ngày nay không thể nghiên cứu chúng trực tiếp. Tuy nhiên, các nha sĩ đã đưa ra nhiều giả thuyết.
Một giả thuyết cho rằng khí tích tụ bên trong một chiếc răng sâu, sau đó khiến nó phát nổ. Dù sự tích tụ khí trong răng có thể xảy ra, ví dụ thông qua ống tủy không hoàn chỉnh, nhưng sẽ không tạo đủ áp lực để khiến răng nổ tung trong miệng như miêu tả.
Andrea Sella, giáo sư Hóa học Vô cơ tại Đại học College London, đưa ra một lời giải thích hợp lý hơn. Theo đó, hiện tượng răng nổ có thể do các hóa chất cũ dùng để trám răng. Những năm 1800, nhiều kim loại được dùng để lấp đầy các lỗ sâu, từ thiếc cho đến chì, dù chúng không thích hợp. Việc sử dụng hai kim loại khác nhau trong miệng bệnh nhân có thể biến miệng thành một cục pin.
"Hỗn hợp kim loại trong miệng có thể khiến hiện tượng điện phân tự phát xảy ra. Cách giải thích mà tôi đánh giá cao là chỗ trám không tốt nên vẫn còn một phần lỗ sâu, từ đó có thể khiến hydro tích tụ trong răng", Sella giải thích với BBC. Sau đó, chiếc răng có thể phát nổ do áp suất hoặc bị đốt cháy, ví dụ như khi hút thuốc.
Ngày nay, giới chuyên gia vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác, vì không có bằng chứng nào cho thấy các bệnh nhân từng trám răng. Dù vậy, hiện tượng răng nổ không còn diễn ra nên nhiều khả năng nguyên nhân xuất phát từ một phương pháp nha khoa cũ.
Thu Thảo (Theo IFL Science)