3,8 triệu người Việt hiện sống chung với đái tháo đường, hầu hết trong số này là type 2, bệnh diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm, theo Phó giáo sư Đỗ Trung Quân, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam, tại lễ mít tinh Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường 14/11.
Ông Quân cho biết, năm 2021, ước tính có 537 triệu người trưởng thành (20-79 tuổi) đang sống chung với đái tháo đường trên thế giới. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 784 triệu vào năm 2045. Đây chính là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có một ca tử vong vì căn bệnh này.
Tiến sĩ Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết tỷ lệ người mắc đái tháo đường đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Nhiều người mắc đái tháo đường mà không biết. Bệnh này diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tim mạch, ở thận, ở chi..., gây ra nhiều biến chứng như đột quỵ, suy thận, giảm thị lực, mù lòa và những biến chứng bàn chân. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh đứng thứ ba trong các bệnh không lây nhiễm.
Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đến viện phải cắt cụt chi, điều trị tích cực với các biến chứng. Nhiều trường hợp không biết mình bị đái tháo đường trong vòng 10 đến 20 năm, nhập viện trong tình trạng hôn mê, đường huyết rất cao.
Đặc biệt, bệnh cũng đang gia tăng ở người trẻ dưới 40 tuổi, ở trẻ em do lối sống tiêu thụ quá nhiều thực phẩm, lười vận động dẫn đến dư thừa năng lượng, rối loạn chuyển hóa.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần duy trì chế độ ăn lành mạnh, vận động thể dục thể thao, hạn chế các đồ ngọt, nước uống có ga, thức ăn nhanh... và duy trì khám sức khoẻ định kỳ, xét nghiệm đường huyết để kịp thời phát hiện, quản lý bệnh đái tháo đường.
"Chủ động phòng đái tháo đường để làm giảm tỷ lệ mắc mới, giảm và chậm quá trình biến chứng, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh", ông Hiệp nói.
Thứ trưởng Y Tế Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, đột quỵ, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới. Do vậy, chẩn đoán và điều trị sớm là chìa khóa giúp đề phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó.
Các dấu hiệu cảnh báo có thể rất mờ nhạt như thường đói, mệt mỏi, đi tiểu nhiều hơn và luôn thấy khát, nhìn mờ, miệng khô, ngứa da... Bệnh có thể được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu định kỳ.
"Bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán sớm có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong", ông Thuấn nói.
Năm nay, khẩu hiệu được đưa ra nhân ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường là "Tiếp cận dịch vụ Chăm sóc Người Đái tháo đường". Đây là chiến dịch tuyên truyền và áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường, hỗ trợ về việc tiếp cận chăm sóc, điều trị, quản lý, dự phòng đối với căn bệnh này.
Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Nội tiết trung ương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện các chương trình mít tinh, khám sàng lọc đái tháo đường, dựng pano, áp phích, cung cấp các tờ rơi về phòng, chống đái tháo đường, cung cấp các thông tin, kiến thức về bệnh đái tháo đường tới người dân.