Những gia đình nuôi chó mèo nên thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ để phòng chống lây truyền bệnh dại. Ảnh: Thiên Chương. |
Trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 74 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 20 tỉnh, thành. Trong đó hơn 83% là các tỉnh khu vực miền Bắc, sau đó đến miền Trung và thấp nhất tại miền Nam - nơi có tỷ lệ người dân tiêm ngừa bệnh dại cao nhất cả nước.
Thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác y tế 9 tháng đầu năm tổ chức tại Hà Nội ngày 17/10.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có hơn 15 triệu người phải điều trị do bị động vật nghi mắc bệnh dại cắn, trung bình cứ 10 phút lại có một người tử vong do bệnh dại. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của bệnh dại, đặc biệt có xu hướng tăng trong những năm trở lại đây.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của việc gia tăng bệnh dại ở nước ta là Việt Nam nằm trong khu vực đang bị ảnh hưởng lớn bởi bệnh dại. Nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác phòng chống bệnh cũng như việc tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo, vật nuôi. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về bệnh dại chưa cao, không đi tiêm phòng sau khi bị động vật nghi mắc dại cắn.
Vì thế, bệnh dại được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm tái nổi và đứng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong ở Việt Nam. Nguồn lây bệnh chủ yếu do chó nhà (chiếm 96%), sau đó là mèo.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), hầu hết các địa phương chưa quản lý được việc người dân nuôi chó, mèo. Tỷ lệ tiêm phòng dại thường chỉ đạt 30-40%, vì thế luôn có khả năng bùng phát dịch trong bất cứ thời điểm nào.
Đa số ca bệnh dại đều do chủ quan của người dân, khi bị chó cắn không theo dõi được con chó đó, cũng như không thông báo cho cán bộ y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng. Trong khi đó nếu đã phát bệnh dại thì gần như 100% là tử vong.
Bệnh dại không phát ngay, nhưng có thể mắc bệnh chỉ với vết thương chỉ trầy xước nhỏ nên người dân không để ý. Đến lúc phát bệnh thì đã quá muộn. Có một thực tế là nhiều người lầm tưởng về bệnh. Họ nghĩ rằng tiêm văcxin phòng dại là đưa một lượng chất độc vào cơ thể, thậm chí còn có thể là thủ phạm bùng phát cơn dại ở người. Chính vì thế, họ không đi tiêm huyết thanh và tiêm văcxin phòng dại mà tự điều trị bằng thuốc nam.
Kết quả điều tra mới đây của chương trình Phòng chống bệnh dại quốc gia cho thấy, trong hơn 1.200 trường hợp tử vong vì bệnh dại thì có 73 ca do điều trị bằng thuốc nam, hơn 900 ca không tiêm văcxin và 59 trường hợp tiêm nhưng không đủ liều.
Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Có trường hợp thời gian ủ bệnh kéo dài hơn một năm. Thời kỳ phát bệnh thường 2-4 ngày. Mới đầu vết cắn bị đau nhức, sưng tấy và kèm theo các triệu chứng như bồn chồn, thổn thức, chán nản vô cớ... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn...
Bộ Y tế đã đặt mục tiêu phấn đấu loại trừ cơ bản bệnh dại trên toàn quốc vào năm 2015. Bệnh có thể chủ động phòng chống được bằng tiêm văcxin. Các chuyên gia khuyến cáo, những gia đình có nuôi chó, mèo thì nhất thiết phải tiêm phòng dại định kỳ. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh như cán bộ làm công tác thú y, kiểm lâm, những người chế biến thực phẩm, trẻ dưới 15 tuổi (thường rong chơi và hay tiếp xúc gần gũi với chó mèo)... thì nên tiêm văcxin phòng bệnh dại.
Khi đã bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, người bệnh phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại tán phát càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng.
Phương Trang