Coco Lee - danh ca Mỹ gốc Hoa, chủ nhân bản hit "A Love Before Time" đã qua đời ở tuổi 48, sau thời gian chiến đấu với bệnh trầm cảm. Theo hai chị gái của bà là Nancy và Carol, Coco đã mắc bệnh nhiều năm, diễn biến xấu trong vài tháng qua. Dù có sự giúp đỡ của các chuyên gia, bà vẫn không thể vượt qua.
Coco Lee không phải người nổi tiếng đầu tiên bị căn bệnh trầm cảm ngấm ngầm ăn mòn và cướp đi mạng sống. Năm 2019, ngành giải trí Hàn Quốc mất đi hai nữ ca sĩ là Goo Hara và Sulli, đều ở độ tuổi ngoài 20 cũng vì căn bệnh này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật trên toàn thế giới. Bệnh có thể làm suy yếu các mối quan hệ, khiến làm việc và duy trì sức khỏe trở nên khó khăn. Trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tự tử. Trên thực tế, trầm cảm góp phần gây ra gần 40.000 vụ tự tử ở Mỹ mỗi năm. Nó có thể ảnh hưởng đến người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em.
Trên toàn cầu, WHO ước tính năm 2019, cứ 8 người lại có một người sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một loại rối loạn tâm trạng, gây cảm giác buồn bã, trống rỗng và mất đi niềm hứng thú. Nó khác với những thay đổi tâm trạng mà mọi người thường xuyên phải trải qua như một phần cuộc sống.
Các sự kiện lớn, có tính tiêu cực như mất người thân, mất việc, bị bạn đời phản bội, mắc bệnh nan y hiểm nghèo có thể gây trầm cảm. Tuy nhiên, căn bệnh không phải cảm giác tiêu cực mà một người có thể tạm thời đối phó. Trầm cảm thường dai dẳng, dù hoàn cảnh đã thay đổi. Nó chia thành nhiều giai đoạn, trong đó các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tuần. Trầm cảm nói chung có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc nhiều năm. Đối với một số người, đây là căn bệnh mạn tính, khỏi rồi lại tái phát.
Có nhiều dạng trầm cảm khác nhau, nhưng dạng bệnh phổ biến nhất là rối loạn trầm cảm nặng. Trong đó, người mắc bệnh có trạng thái buồn bã liên tục. Họ mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích. Các loại còn lại là rối loạn trầm cảm dai dẳng, sau sinh, theo mùa. Trầm cảm dai dẳng còn được gọi là rối loạn khí sắc, triệu chứng kéo dài ít nhất hai năm.
Nguyên nhân và triệu chứng trầm cảm
Cộng đồng y tế chưa hiểu đầy đủ về yếu tố gây bệnh trầm cảm. Một số nguyên nhân gồm đặc điểm di truyền, thay đổi mức dẫn truyền thần kinh của não, các yếu tố môi trường như sang chấn hoặc thiếu sự hỗ trợ từ xung quanh, yếu tố tâm lý xã hội, bệnh lý khác như rối loạn lưỡng cực.
Các yếu tố tương tác với nhau có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Ví dụ, một người có tiền sử gia đình trầm cảm khả năng cao cũng sẽ mắc căn bệnh này.
Trầm cảm có thể gây hàng loạt triệu chứng tâm lý và thể chất bao gồm chán nản dai dẳng, mất hứng thú hoặc niềm vui trong cuộc sống, thay đổi khẩu vị và cân nặng, chậm chạp hoặc kích động một cách bất thường, giảm năng lượng, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, có cảm giác tội lỗi hoặc thấy mình vô dụng, giảm ham muốn tình dục. Nhiều người suy nghĩ về cái chết, ý tưởng tự tử hoặc nặng hơn là cố gắng tự tử.
Trầm cảm ở từng giới tính
Tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao gấp hai lần so với nam giới, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Các nhà nghiên cứu không biết vì sao có tình trạng này.
Nghiên cứu năm 2021 cho rằng sự khác biệt là do phụ nữ có xu hướng cởi mở báo cáo về vấn đề của mình hơn, từ đó các tài liệu y khoa ghi lại nhiều dữ liệu hơn. Ngoài ra, một số loại trầm cảm chỉ phụ nữ mới mắc phải như trầm cảm sau sinh và rối loạn tiền kinh nguyệt.
Theo dữ liệu từ nghiên cứu Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia, 5,5% nam giới báo cáo triệu chứng trầm cảm trong khoảng thời gian hai tuần. Con số ở nữ giới là 10,4%.
Nam giới trầm cảm có nhiều khả năng tiến đến lạm dụng rượu bia hơn so với nữ giới. Các triệu chứng trầm cảm thường xuất hiện ở nam giới gồm tránh tiếp xúc gia đình và xã hội, làm việc không ngừng nghỉ, không thể theo kịp công việc và trách nhiệm gia đình, lạm dụng hoặc thể hiện hành vi kiểm soát trong mối quan hệ.
Điều trị trầm cảm
Dù không có cách chữa khỏi chứng trầm cảm, các chuyên gia vẫn chỉ ra một số phương pháp điều trị phục hồi. Điều trị càng sớm, khả năng thành công càng cao. Một số người có thể khỏi bệnh hoàn toàn và không tái phát theo thời gian.
Người bệnh có thể tìm đến chuyên gia tâm lý để trò chuyện, gọi là tâm lý trị liệu. Bệnh nhân trầm cảm thể nhẹ hơn cần tìm đến sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc bất cứ ai trong xã hội họ cảm thấy an toàn và phù hợp.
Các khác là điều trị bằng thuốc, hoạt động trên chất dẫn truyền thần kinh để điều hòa cảm xúc. Tuy nhiên, mọi người chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại sẽ mất nhiều thời gian hơn mới có tác dụng. Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm là buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, hạ đường huyết, giảm cân hoặc tăng cân, rối loạn chức năng tình dục.
Thục Linh (Theo Healthline, Medical News Today)