Một ngày sau, trong cuộc đối thoại căng thẳng giữa nhà xe và Sở Giao thông vận tải, các hãng xe đòi kiện chính quyền.
Việc điều chỉnh sắp xếp luồng bắt đầu thực hiện từ ngày 2/1 với nguyên tắc: không để xảy ra tình trạng xe đi xuyên tâm, xuyên tuyến; xe có điểm đến tại cùng địa phương sẽ được điều chuyển về chung một bến.
Hà Nội có lý do để đưa ra quyết định này. Bởi ngoài việc được cho sẽ làm giảm lượng xe xuyên tâm, vốn tiềm ẩn gây ùn tắc, tai nạn giao thông, rõ ràng việc điều chuyển này tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho công tác của cơ quan quản lý.
Nhưng lật ngược vấn đề, chẳng phải vô cớ các hãng xe lại phản kháng mạnh mẽ như vậy. Việc gộp tất cả xe có cùng điểm xuất phát và điểm đến về cùng một bến vô hình trung đã triệt tiêu cơ hội cạnh tranh. Nhiều hãng xe đã phát triển bằng thị trường ngách. Tức là khai thác các cung đường mà hãng lớn hơn không đoái hoài tới. Nhưng với quyết định của UBND Hà Nội thì những nỗ lực ấy đã không còn đất sống.
Người dân cũng có lý do để phàn nàn về cơ hội tiếp cận dịch vụ. Bạn tôi than thở, hành trình về Bắc Giang quê anh có thể sẽ phải nhân đôi thời gian so với thường lệ. Nhà bạn gần bến xe Yên Nghĩa. Sau này bạn sẽ mất thời gian và tiền bạc để di chuyển sang tận bến xe Gia Lâm. Rất nhiều người khác cũng rơi vào tình trạng như bạn tôi.
Một quyết định gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người dân, tại sao vẫn được ban hành? UBND Hà Nội tin rằng việc giảm lượng xe xuyên tâm sẽ giúp giảm quá tải mật độ giao thông và nguy cơ tai nạn. Nhưng chưa thấy một nghiên cứu hay cơ sở khoa học nào khẳng định xe xuyên tâm là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông ở Hà Nội.
Người ta hoàn toàn có thể phản biện, quyết định của Ủy ban có thể bớt được vài chuyến xe khách xuyên tâm. Song nó lại có thể gia tăng hàng trăm phương tiện cá nhân ở cùng thời điểm. Vì bến xe Mỹ Đình vốn phục vụ một khu vực có rất nhiều trường đại học, và phục vụ cho một khối lượng lao động di cư khổng lồ của khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Nhu cầu về vùng Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Thanh Hóa) - vốn là nơi đóng góp nhiều lao động di cư nhất - từ Mỹ Đình lớn, hay là từ bến Nước Ngầm lớn hơn? Nay chuyển xe Thanh Hóa, Nghệ An về hướng Nước Ngầm, là tăng hay giảm lưu lượng?
Cuộc tranh cãi sẽ không có hồi kết. Lý do rất đơn giản: không có bằng chứng khoa học.
UBND thành phố có thể đã đúng. Nhưng không có bằng chứng khoa học, không có nghiên cứu cụ thể và thuyết phục nào được Sở đưa ra về lý do “xe khách xuyên tâm gây ách tắc giao thông”, thì có thể chỉ là một suy nghĩ cảm tính. Đó là lối làm chính sách không dựa trên bằng chứng.
Thường xuyên đi trên cung đường Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng, nơi có các chuyến xe khách từ bến Mỹ Đình lưu thông, tôi nhận thấy tình trạng tắc đường không phải do quá tải lượng xe khách. Mà do các xe này cố tình đi chậm, dừng đỗ tùy tiện để đón khách, từ đó gây ra xung đột giao thông. Thực trạng này có trách nhiệm của cơ quan chức năng. Phần ngọn đó chưa bao giờ được giải quyết thấu đáo, mà nay thành phố tuyên bố rằng lý do nằm ở phần gốc - là các tuyến xe - rồi ra tay gộp lại, nó giống như là vì không thể dọn được lá khô, mà chặt luôn cả cái cây đi cho… đỡ rác.
Và cuối cùng, lý do tất nhiên không chỉ nằm ở chính quyền. Bản thân các hãng xe cũng chưa bao giờ chấp hành đầy đủ luật pháp, tạo ra một thói quen tiêu dùng rất xấu cho người dân là cứ đứng đường chờ xe khách, tiện đâu đón đấy.
Cả cái cách mà họ bỏ mặc hành khách ở bến xe, từ chối phục vụ để “phản đối” chính quyền - trong những ngày cuối năm tất tả này - cũng lại một lần nữa tô đậm cái tư duy “được việc mình”.
Trong một cuộc đối thoại mà bên ban hành chính sách cũng làm cho “được việc mình”, bên thi hành cũng chỉ tìm cách “được việc mình”, thì tôi không tin rằng vấn đề kẹt xe có thể giải quyết một sớm chiều. Và như thế, Mỹ Đình sẽ lại "thất thủ", còn tôi, sẽ vẫn ngày ngày thấy cảnh người dân đứng dàn hàng bên đường vành đai, chờ xe khách đi qua rồi… vẫy.
Phan Tất Đức