Bến xe đông đúc, náo nhiệt có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên mọi nẻo đường tổ quốc. Những kẻ ưa xê dịch khắp chốn, những người tha hương kiếm sống. Cả những người nghèo khổ ít học, những cụ già, người đàn bà, em bé mưu sinh. Tất cả qua lại ngược xuôi ở bến xe buýt, xe khách và chạy dọc theo cung đường bất tận, ngút ngàn cây số.
Dòng đời bon chen chảy trong lòng bến xe những ngày cuối năm. Tôi nhìn họ, mỗi người là một mảnh đời, những mảng đỏ đen đối lập mà trung hòa ngay trong bức tranh bến xe ấy. Họ đang chung một nỗi niềm hướng về Tết, dịp lễ đoàn tụ các thành viên gia đình, thời gian ít ỏi mà quý giá. Cảm tưởng như trông thấy vầng hào quang của cái nắng mùa đông hiếm hoi, đang rạng ngời trên những mặt người hối hả đi về. Những cô cậu sinh viên tíu tít cười đùa, trên vai là ba lô nặng trịch.
Bên trong chứa nhiều món quà Tết cho gia đình, từ công việc làm thêm bươn trải và công sức học tập miệt mài. Những người phụ nữ bán hàng nước chuyện trò rôm rả. Họ nói về vụ lúa được mất ở quê nhà, về con cháu thơ dại đang học đang làm và về cái đắt đỏ của đồ Tết mà họ vẫn gắng sức cho dịp lễ tươm tất, chung vui gia đình. Có những cô hàng xén tranh thủ lúc xe dừng lại trèo lên đon đả mời khách, rồi lại cùng hành khách đi tiếp lộ trình. Giữa lúc ngơi nghỉ chờ xe đỗ tiếp để xuống, họ lại thầm thì chuyện phiếm, về những chàng trai, người chồng đang chờ đợi mình ở quê nhà hay nơi làm ăn. Và họ nói về nhọc nhằn mà hăm hở khi bán hàng vào những ngày cuối năm nhộn nhịp, trong ánh mắt lấp lánh niềm vui kiếm thêm chút tiền gửi về gia đình ăn Tết.
Cuộc sống vất vả bon chen của những con người rất đỗi bình thường ấy khiến tôi lưu tâm hơn là chính bản thân mình. Nếu nói về cuộc sống của mình, tôi lại nghĩ đến bố - người lao động cực nhọc mà thường xuyên vắng mặt ở nhà mỗi khi Tết về. Bố tôi quen thuộc với bến xe, những chuyến di chuyển theo các công trình xây dựng, làm đủ mọi việc tay chân trong suốt 20 năm. Mỗi năm, ông trở về nhà vài lần, vì đường sá quá xa xôi, và cũng vì chưa tìm được bến đỗ - một việc làm gần nhà.
Đến cái Tết này, bố thực sự được sống không khí đầm ấm mà không phải trực Tết. Bố tôi đã nghỉ hưu. Ông ít khi tâm sự với con cái vì mặc cảm xa cách, không túc trực bên con cái dể dạy dỗ chúng trưởng thành. Nhưng tôi vẫn nhớ câu nói khi ông trở về nhà sau lúc nhận quyết định nghỉ hưu: “Từ giờ bố sẽ ở nhà để bù đắp những ngày không ở bên con”. Câu nói đơn giản nhưng đánh mạnh vào tim, bởi hai mấy năm sống trên đời, trừ quãng thời gian nhi đồng, tôi chưa bao giờ tự nhiên bày tỏ yêu thương với bố. Tôi đã vô tâm, thường chỉ thấy nao lòng khi chia tay bố ở bến xe, bố nhắc nhở mẹ con giữ gìn sức khỏe, con gái chỉ vâng rồi im lặng quay về.
Chuyện về bố và những con người lao động gắn bó với cái bến xe khiến tôi chợt thấy, cái bến xe chật hẹp, ồn ào ấy chẳng hề đáng ghét, khó chịu như nhiều người nghĩ. Những bến xe có thể làm nên cuộc chia li xa cách, thì cũng có thể dẫn lối trở về đoàn tụ gia đình. Tôi kết thúc hành trình về quê ở bến đỗ cuối cùng là bố tôi, bóng dàng người gầy gò đang vẫy tay gọi con gái trở về gia đình, về với tuổi thơ quấn quýt bên cha mẹ, anh em...
Nguyễn Thị Thúy Hằng
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |