Chủ nhật, 12/1/2025
Thứ ba, 19/4/2016, 11:18 (GMT+7)

Bên trong xưởng làm đồ lông thú 45.000 USD một tấm

Funtastic Furs là nơi sản xuất ra những tấm lông thú cao cấp nhất thế giới, có giá lên đến 1 tỷ đồng một miếng.

Nằm ẩn trong khu dân cư Astoria ở quận Queens, New York (Mỹ), xưởng Funtastic Furs là nơi quy tụ những nghệ nhân làm đồ lông thú đẳng cấp couture trên thế giới.

Những người thợ ở đây tạo ra những mảnh đồ lông hoàn toàn thủ công và độc đáo theo đơn đặt hàng của nhiều nhà mốt Mỹ như Jason Wu, Joseph Altuzarra, Proenza Schouler, Herve Leger, Creatures of the Wind, Helmut Lang và Mary Katrantzou.

Tasos Karangunis thành lập nên công xưởng Funfastic Furs từ năm 1995 cùng người bạn Eric Rouskas. Ông sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở ngoại ô thành phố Kastoria (Hy Lạp) - nơi được mệnh danh là cái nôi của ngành công nghiệp đồ lông - và sớm tiếp xúc với nghề này từ khi tốt nghiệp trung học.

Hồ Orestiada ở Kastoria cung cấp nguồn da hải ly dồi dào cho ngành đồ lông phát triển. Sản phẩm ở đây từ nhiều thế kỷ trước đã tỏa đi khắp châu Âu, từ Vienna, Paris, Đức cho đến Italy và Tây Ban Nha trước khi bùng nổ ở Mỹ vào thập niên 1980. Năm 1987, Karangunis chuyển hẳn từ Hy Lạp đến New York lập nghiệp. Sau nhiều năm trời chỉ chế tạo ra những bộ lông chồn đen hoặc nâu, ông đi đến một quyết định đột phá và táo bạo. "Trong khi nhiều người nhìn lông thú theo kiểu xưa cũ và cứng nhắc, chúng tôi lại thấy chúng ở một khía cạnh tươi mới hơn. Bạn phải nhìn lông thú như một chất liệu may mặc chứ không phải chỉ là lông thú đơn thuần. Đã là một chất liệu may mặc, bạn làm được gì trên vải thì cũng có thể làm tương tự trên lông thú".

Ông quyết định nhuộm màu và tạo kiểu cho từng bộ lông khác nhau. Một chiếc máy xén kiểu lông thú công suất lớn được tạo ra, có thể cắt và tạo hơn 250 kiểu hình học khác. Đây chính là bí mật khiến Funfastic Furs trở nên khác biệt hơn so với các phân xưởng còn lại của thế giới đồ lông.

"Ai cũng nghĩ chúng tôi bị điên khi tạo ra lông chồn xén kiểu. Và cho đến nay chúng tôi vẫn là công xưởng duy nhất ở Mỹ thực hiện được kỹ thuật này", ông cho biết. Nơi đây từng đáp ứng đơn đặt hàng của nhà mốt Mary Katrantzou, với bộ lông chồn được nhuộm 10 màu khác nhau thành họa tiết hình học. Các chuyên gia cho rằng ở Mỹ, hiếm cơ sở nào có thể làm được điều này ngoại trừ Funfastic Furs. Theo tạp chí Elle, rất ít công xưởng sở hữu kỹ thuật tinh tế như thế.

Đội ngũ thợ thủ công làm việc ở Funtastic Furs được quy tụ từ khắp các châu lục trên thế giới như Mỹ, Hy Lạp, Peru, Ecuador, Trung Quốc... Người cao tuổi nhất trên 70 tuổi và có hơn 50 năm kinh nghiệm trong ngành đồ lông. Tất cả đều đem kỹ thuật xử lý đồ lông truyền thống và đặc trưng của mỗi vùng miền vào công xưởng này.

Karangunis chia sẻ: "Chúng tôi sở hữu hơn 500 kỹ thuật chế tác đồ lông thú khác nhau cho các nhà thiết kế lựa chọn. Chẳng hạn việc nhuộm, cạo, cắt, dệt, đục lỗ... để thay đổi kết cấu lông, trọng lượng hay thậm chí toàn bộ vẻ ngoài của chúng. Có thể nói, khả năng để chúng tôi biến tấu với chất liệu lông thú là vô hạn. Chúng tôi biến lông thú thành nghệ thuật. Kiến thức chung thì ai cũng biết, nhưng con mắt sáng tạo mới làm nên sự khác biệt".

Đó cũng là lý do khiến những bộ lông thú thành phẩm của công xưởng Funtastic Furs được bán cho các nhà mốt với giá dao động từ 10.000 - 45.000 USD một miếng (220 triệu - 1 tỷ đồng), thậm chí có thể cao hơn. 

Sau khi được nhuộm, lông thú mang vẻ sinh động và khác lạ hẳn so với ban đầu. Đó có thể là bộ lông hải ly nhuộm màu hồng tươi, bộ lông cáo được nhuộm nhiều màu kiểu chấm bi, lông gấu trúc Mỹ nhuộm màu ombre, lông cừu Mông Cổ nhuộm màu loang, lông lạc đà không bướu kẻ sọc cho đến lông thỏ chần bông hay bộ da dê được cắt laser.

Sau khi xử lý chất liệu, các bộ lông thú bắt đầu được cắt, ướm theo mẫu trang phục.

Để thành công như hiện nay, Funtastic Furs tuân thủ chứng nhận của Saga Furs - chương trình đề ra những tiêu chuẩn về sức khỏe thú y, điều kiện chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Karangunis chia sẻ: "Nhà thiết kế Jason Wu từng hỏi chúng tôi về nguồn gốc của những bộ lông cáo. Anh ta nhiều lần xem xét tỉ mỉ từng bộ lông, thậm chí còn đến tận trang trại đã cung cấp hàng cho chúng tôi để xác thực".

Sau hàng thập kỷ hứng chịu sự tranh cãi và phản đối, các nhà thiết kế thời trang hiện nay dường như đã "mở lòng" hơn với chất liệu nhạy cảm này. Đồ lông thú có những bước chậm rãi và vững chắc trở lại với làng mốt. Theo thống kê tại Mỹ, doanh thu đồ lông nước này đạt 1,39 tỷ USD trong năm 2013, tăng 10% so với một năm trước. Còn theo Saga Furs, chỉ riêng năm 2015, đã có 73% trong số 436 show diễn thời trang ở New York có sử dụng đồ lông thú.

Khi đề cập đến vấn đề môi trường, quan điểm của Karangunis cũng như nhiều nhà thiết kế cho rằng lông thú thật, trên một phương diện nào đó, ít làm tổn hại đến môi trường hơn những kiểu lông thú giả bằng sợi tổng hợp. Hội đồng Đồ lông thú Canada cũng khẳng định những trang trại nuôi thú lấy lông hay nguồn lông hải ly được nuôi trong môi trường hoang dã là những nguồn nguyên liệu bền vững trong sản xuất, ít hại đến môi trường hơn so với việc khai thác dầu khoáng - một trong những nguyên liệu cơ bản để làm đồ lông tổng hợp.