Thành phố Nghĩa Ô, tỉnh miền đông Chiết Giang, được xem là thủ phủ hàng tiêu dùng nhỏ của Trung Quốc. Trung tâm thương mại quốc tế Nghĩa Ô là siêu thị bán buôn lớn nhất thế giới, tập trung hàng triệu mặt hàng lớn nhỏ để bán trong nước cũng như xuất khẩu.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nghĩa Ô, với giá trị xuất khẩu hơn 116 tỷ USD, chiếm 14,2% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Các mặt hàng tiêu dùng như đồ lưu niệm, đồ chơi, đồ trang trí, gia dụng cỡ nhỏ là những nhóm hàng hóa chính mà các thương nhân ở thành phố này bán tới Mỹ.
Nhưng hoạt động này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang chịu thuế suất tổng cộng 145%, khi Tổng thống Donald Trump không ngừng tăng thuế với nước này. Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế bổ sung 125% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế số một thế giới, hiệu lực từ ngày 12/4.
Trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc "ăn miếng, trả miếng" trong cuộc đấu thuế quan, các nhà xuất khẩu ở Nghĩa Ô được xem là những doanh nhân ở tuyến đầu cuộc chiến thương mại.
"Mỹ muốn lấy đi một phần chiếc bánh của Trung Quốc", thương nhân Kenny Qi nói từ quầy hàng treo đầy áo in khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" tại một trung tâm triển lãm thương mại ở Nghĩa Ô.

Mô hình đồ chơi hình ông Trump tại một triển lãm ở Nghĩa Ô, Trung Quốc. Ảnh: VCG
Ông Kenny tin rằng Tổng thống Trump đã bị sốc khi Trung Quốc áp thuế bổ sung 125% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Ông tin rằng Tổng thống Mỹ sẽ lùi bước "trong tối đa hai tuần".
"Truyền thông cho hay người Mỹ đang phải lùng mua trứng, bột mì, dầu ăn", Nie Ziqin, chủ cơ sở xuất khẩu đồ trang trí Halloween ở Nghĩa Ô, nói.
Bà Nie, đến Nghĩa Ô làm công nhân 20 năm trước, hiện điều hành nhà máy sản xuất riêng với hơn 100 nhân công. Bà thừa nhận cuộc chiến thuế quan giữa hai nước khiến bà sốc và thất vọng sau nhiều thập kỷ làm ăn với Mỹ.
Bà đã từ chối yêu cầu giảm giá của đối tác Mỹ sau khi cuộc chiến thuế nổ ra, dù buộc phải sa thải 10% nhân công để bù đắp cho các đơn hàng bị hủy.
"Người Trung Quốc có cách nghĩ khác người nước ngoài. Chúng tôi tiết kiệm và có thể bám trụ trong 1-2 năm, thậm chí ba năm, còn người nước ngoài thường tiêu hết những gì họ kiếm được. Chúng tôi sẽ thắng trong bất kỳ cuộc chiến thương mại trường kỳ nào", bà Nie nói.

Khách hàng bên trong hội chợ hàng tiêu dùng ở Nghĩa Ô hồi tháng 3. Ảnh: Reuters
Các nhà sản xuất ở Nghĩa Ô cũng xuất khẩu sang châu Âu và các nước đang phát triển, giúp họ có vị thế tương đối tốt để vượt qua cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất lớn hơn ở các vùng khác của Trung Quốc có thể dễ bị tổn thương hơn.
Tại thành phố miền trung Trịnh Châu, nơi Apple sản xuất hầu hết iPhone, nhiều công nhân đang lo lắng. "Mọi thứ hiện tại bình thường, nhưng Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn", một công nhân nói trong giờ giải lao tại dây chuyền lắp ráp iPhone do nhà thầu Foxconn của Apple sở hữu.
Apple được cho là đã vận chuyển 600 tấn iPhone bằng đường hàng không từ Ấn Độ về Mỹ để tránh đòn thuế quan. Các công nhân tại nhà máy Foxconn Trịnh Châu lo ngại giờ làm sắp tới sẽ ít hơn.
"Công ty sẽ cắt giảm sản lượng, có thể dẫn đến ít việc hơn", công nhân này giải thích.
Zhu Yuelai, nhà xuất khẩu đồ cắm trại ở Nghĩa Ô, cho biết hiệp hội ngành này đang cố gắng giúp đỡ các nhà sản xuất lớn ở những khu vực khác phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Mỹ.
Các nhà sản xuất vừa và nhỏ ở Nghĩa Ô đang giới thiệu mạng lưới khách hàng, trong đó có các nước đang phát triển, cho những công ty lớn hơn, dù trước đây không được họ đánh giá cao, ông Zhu nói.
Kenny, nhà sản xuất hàng hóa chủ đề MAGA (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại), khẳng định sẽ không bị ảnh hưởng, bởi người ủng hộ ông Trump sẵn sàng trả giá cao hơn để có các sản phẩm mang hình ảnh Tổng thống mà họ ngưỡng mộ.
"Mũ lưỡi trai MAGA chỉ tốn 1 USD để sản xuất ở đây. Thuế có thể khiến chi phí đội thêm gần 3 USD, nhưng những chiếc mũ này được bán với giá tới 50 USD tại Mỹ. Và những người bán hàng Mỹ có thể lấy cớ thuế cao để tăng giá lên 60 USD. Chi phí phát sinh vẫn do người tiêu dùng Mỹ chịu", ông nói.
Đức Trung (Theo Financial Times, Sina News)