Thứ sáu, 6/12/2024
Thứ ba, 27/2/2024, 13:36 (GMT+7)

Bên trong tàu bay 'made in China' lần đầu đến Việt Nam

Quảng NinhTập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) cho khách hàng Việt Nam tham quan toàn bộ từ buồng lái và khoang khách tại triển lãm ở Vân Đồn.

Việt Nam là điểm đến thứ hai ở nước ngoài của C919, sau Singapore. 10h ngày 27/2, Comac cho người xem vào tham quan tự do hai tàu bay C919 và ARJ21 tại sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - điều Comac chưa cho phép tại triển lãm hàng không ở Singapore tuần trước. Khi đó, chỉ một số doanh nghiệp, khách hàng được lựa chọn từ trước mới có thể lên tàu bay C919.

Nữ tiếp viên Comac giới thiệu các tính năng trên khoang hành khách cho người tham quan. Lần này, Comac mang theo toàn bộ phi hành đoàn là người Trung Quốc. Tổ bay đi theo C919 từ Singapore Airshow sang Việt Nam.

C919 là máy bay chở khách thân hẹp với chiều dài gần 39 m, sức chứa tối đa 192 hành khách, tầm bay tối đa 4.075 km. Bắc Kinh kỳ vọng sẽ phá vỡ thế độc quyền trên thị trường sản xuất bay toàn cầu của Boeing và Airbus với dòng tàu bay thân hẹp này.

Giá mỗi chiếc C919 khoảng 99 triệu USD, rẻ hơn vài chục triệu so với Airbus A320 neo hay Boeing 737.

Trên chiếc C919 có hai hàng thương gia với 8 ghế bọc da, màu nâu nhạt, có thể tùy chỉnh độ ngả theo nhu cầu khách hàng.

Khoảng cách từ sàn đến điểm cao nhất của trần tàu bay khoảng 2,25 m, cho cảm giác thoải mái hơn trên tàu A321/320 thế hệ cũ. Theo nhà sản xuất, hệ thống ánh sáng trong khoang khách có thể tùy chỉnh đến 10 chế độ màu sắc.

Cấu hình hàng phổ thông trên máy bay thân hẹp này tương tự hai mẫu Airbus A320/A321 và Boeing 737 max với mỗi bên ba chiếc. Các ghế có độ rộng khoảng 18 inch.

Tuy nhiên, Comac bố trí khoảng cách giữa các hàng ghế rộng hơn trên máy bay trưng bày này, giúp người ngồi có cảm thoải mái hơn. Sau mỗi ghế có hướng dẫn an toàn bay bằng tiếng Trung và Anh.

Cấu hình buồng lái C919 khá giống với mẫu A320 của Airbus. Phần lớn thiết bị trong buồng lái và phần đầu của tàu bay này đến từ Mỹ và châu Âu.

Hệ thống liên lạc và định vị sử dụng linh kiện từ nhà sản xuất Rockwell Collins (Mỹ). Trước mặt hai phi công có 5 màn hình LCD 15,4 inch.

Trong đó, một màn hình cạnh ghế phi công kết nối với hệ thống camera trên trần, cho phép tổ lái quan sát đầy đủ từ cửa ra vào đến cuối khoang hành khách của tàu bay.

Phần bếp C919 chứa được 7 xe đẩy đồ ăn cùng hệ thống, quầy bar, tủ hâm nóng đồ ăn trên tàu bay. Phía trước khu vực này còn có hai nhà vệ sinh nhỏ. Nhìn chung, khu vực này không khác biệt so với của các dòng máy bay Airbus.

Ngoài ra, máy bay cũng có một số bộ phận khác từ các nhà sản xuất của Mỹ như bánh và phanh (Honeywell), vỏ nhôm thân máy bay (Acronic), hộp đen (GE). Tại triển lãm, Comac bịt kín hai động cơ C919.

Tuy nhiên, theo công bố trước đó, tàu bay này sử dụng động cơ CFM International LEAP từ nhà sản xuất Mỹ và Pháp, tương tự trên Airbus A320 neo.

Tàu bay phản lực ARJ21 được Comac đặt cạnh C919 tại triển lãm. Đây là tàu bay đầu tiên được Comac tự nghiên cứu và sản xuất. ARJ21 sử dụng hai động cơ GE CF34-10A của Mỹ; các thiết bị bay, hạ cánh của Liebherr (Đức).

ARJ21 có tầm bay từ 2.225 đến 3.700 km. Tàu có thể bố trí cấu hình ghế từ 78 đến 97 chỗ.

Các hãng Trung Quốc đã sử dụng máy bay phản lực này trên nhiều chặng nội địa. Theo Comac, ARJ21 đã phục vụ 13 triệu lượt hành khách. Comac giao chiếc ARJ21 cho khách hàng quốc tế đầu tiên tại Indonesia vào năm 2022.

Cốp chứa đồ ARJ21 có thể chứa được vali xách tay khoảng 7 kg tương tự các dòng cùng phân khúc như ATR72, Embraer 190. Ngoài ra, ARJ21 cũng có thể thay đổi cấu hình thành chuyên cơ cá nhân phục vụ các khách hàng VIP.

ARJ21 được Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cấp giấy chứng nhận cuối năm 2014 và chứng nhận sản xuất tháng 7/2017.

Lê Tân - Anh Tú