Bồn rửa bằng kim loại, các loại cân, thớt trắng và thùng nhựa nằm rải rác nhưng gọn gàng. Căn phòng có mùi thuốc khử trùng, song không quá nặng. Các khu khám nghiệm tử thi rộng rãi, tràn ngập ánh sáng và có một bục cao chạy dài ở giữa. Dãy bàn hai bên thường xuyên được nhân viên làm sạch, sẵn sàng tiếp nhận những trường hợp tiếp theo.
Hình ảnh ngăn kéo đựng xác chết xếp sát nhau thành bức tường kim loại như phim ảnh cũng không tồn tại. Thay vào đó, tử thi được trữ trong phòng lạnh - khu vực trông giống với thang máy chở hàng cỡ khổng lồ. Căn phòng có hai cửa, một để cảnh sát đưa thi thể được đóng gói, gắn thẻ vào kho an toàn. Cửa còn lại để nhân viên ra vào.
Trong phòng lạnh, thi thể được đặt trên băng ca, sau đó xếp cạnh nhau ở điều kiện nhiệt độ không quá 4 độ C. Các trường hợp đặc biệt, chẳng hạn nghi ngờ nhiễm trùng hoặc thi thể bị phân hủy nghiêm trọng, được bảo quản riêng trong các khoang tủ lạnh cỡ công nghiệp có ngăn kéo.
Thi thể được đưa đến nhà xác thường là kết quả của các ca tử vong bất thường, do bạo lực hoặc không thể giải thích được.
"Việc khám nghiệm tử thi giúp chúng tôi trả lời câu hỏi người chết là ai, họ đã chết thế nào, khi nào và ở đâu", tiến sĩ Lee Chin Thye, 45 tuổi, một trong 8 nhà nghiên cứu bệnh học pháp y của Cơ quan Khoa học Y tế (HSA), cho biết. Đây là mục đích của cuộc điều tra và các điều tra viên.
Không phải tất cả xác chết đi qua cánh cửa kim loại của Blk 9 đều phải trải qua quá trình khám nghiệm tử thi. Sau khi hoàn thành các tài liệu cần thiết, chẳng hạn chụp ảnh tổng thể, đo cân nặng, chiều cao, chụp CT, các nhân viên y tế mới thực hiện mổ tử thi nếu cần.
"Dựa trên kết quả quét chụp, thông tin từ cảnh sát và hồ sơ y tế, chúng tôi có thể tư vấn cho điều tra viên về việc có cần khám nghiệm tử thi hay không", bác sĩ Lee nói.
Các nhân viên y tế tại Blk 9 khám nghiệm trung bình 5.000 tử thi mỗi năm, tương đương khoảng 13-14 trường hợp mỗi ngày.
"Số lần khám nghiệm nhiều nhất là 28 ca một ngày, con số thấp nhất có thể là một hoặc hai ca. Số lần khám nghiệm tử thi nhiều nhất mà một mình tôi thực hiện trong ngày là 6", Lee nói.
Theo anh, thời gian khám nghiệm các cơ quan nội tạng là như nhau. Trường hợp khó xử lý là khi các chi tiết giải phẫu học thông thường đã bị thay đổi.
"Trung bình, khám nghiệm tử thi sẽ mất khoảng một đến hai giờ, có thể lên tới 6 giờ hoặc hơn trong những vụ giết người, vụ án phức tạp", bác sĩ Lee nói.
Tại văn phòng ở tòa nhà HSA, cách nhà xác vài phút đi bộ, Lee đang nghiên cứu một số tiêu bản. Các tiêu bản này cho phép nhà nghiên cứu bệnh học pháp y nhìn thấy các chi tiết không rõ ràng.
Để làm được điều đó, nhân viên khám nghiệm phải lấy mẫu mô trong tử thi, khử trùng chúng bằng formalin. Quá trình này tạo ra các mẫu tiêu bản dày từ ba đến 5 micron, bằng độ dày của tế bào đơn lẻ.
"Ví dụ, trong đại dịch Covid-19, đôi khi tình trạng viêm phổi không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Vì vậy, chúng tôi phải quan sát các mô để xem dấu hiệu viêm và nhiễm trùng", tiến sĩ Lee nói.
Dù làm việc với các tử thi, nhân viên pháp y về cơ bản vẫn là những bác sĩ được đào tạo bài bản. "Họ phải hoàn thành khóa nội trú và chương trình đào tạo sau đại học về bệnh lý pháp y, đồng thời vượt qua các kỳ kiểm tra chuyên môn cần thiết do Đại học Bệnh học Hoàng gia ở Vương quốc Anh hoặc Australia tổ chức", Lee nói.
Trước khi trở thành bác sĩ pháp y, Lee học chuyên khoa phẫu thuật. Tuy nhiên, sau ba năm rèn luyện, anh nhận ra đây không phải ngành phù hợp. Vào thời điểm đó, anh lựa chọn bệnh học pháp y vì muốn xem thêm về giải phẫu và thực hiện phẫu thuật.
Đến nay, anh chưa từng cảm thấy ghê rợn hay lo lắng khi khám nghiệm thi thể, không có trường hợp nào ảnh hưởng xấu đến tâm lý của anh. Dù vậy, các ca tử vong ở trẻ em hoặc tai nạn giao thông vẫn luôn là nỗi ám ảnh.
Tiến sĩ Lee giơ lên một tấm kính chứa mẫu tiêu bản có hình dạng giống trái tim người, nhưng nhỏ hơn quả óc chó. Anh nói mẫu này thuộc về một tử thi trẻ em.
"Tôi có ba đứa con, vì vậy tôi vẫn gặp khó khăn khi làm việc với những em bé đã qua đời vì bất cứ lý do gì. Mọi người có thể nghĩ các nhà nghiên cứu bệnh học pháp y đã vô cảm hoặc chai lì. Có lẽ họ cho rằng bằng cách nào đó, chúng tôi có thể tách mình khỏi cảm xúc cá nhân khi khám nghiệm tử thi. Nhưng bản thân tôi phải nhiều lần tự trấn tĩnh khi gặp các ca tử vong ở trẻ em", Lee nói.
Đến nay, gia đình rất ủng hộ Lee, coi đây là một công việc chân chính và có ích cho xã hội. Anh từng được thông báo đi Surabaya để hỗ trợ nhận dạng nạn nhân của vụ tai nạn máy bay AirAsia.
Tuy nhiên, anh thừa nhận không phải ai cũng chấp nhận được bản chất của giải phẫu pháp y.
"Một trong những điều chúng tôi nói với các thực tập sinh và người được tuyển dụng là 'Bạn cần giải quyết vấn đề này với gia đình. Bạn cần hỏi họ xem liệu điều đó có ổn không'. Đây là một trong những điều tôi đã làm. Hồi chưa có con, tôi phải hỏi ý kiến bố mẹ, phòng khi có điều gì trái ý", Lee nói.
Thục Linh (Theo CNA)