Khi quyết định chế tạo 747, mẫu máy bay lớn đến mức được cả thế giới biết đến với biệt danh "Jumbo Jet", Boeing phải xây một nhà máy đủ lớn để sản xuất vài chiếc cùng lúc, theo BBC. Boeing bắt đầu xây dựng nhà máy Everett ở Washington DC, Mỹ, vào năm 1967, khi dự án 747 bắt đầu tăng tốc.
Bill Allen, chủ tịch hãng Boeing, nhận ra công ty cần một không gian khổng lồ nếu muốn chế tạo chiếc máy bay đủ lớn để chở 400 hành khách. Họ chọn vùng rừng cách Seattle 35 km về phía bắc, gần sân bay từng là căn cứ không quân trong Thế chiến II.
Theo Joe Sutter, kỹ sư chủ chốt trong dự án 747, khu vực xây nhà máy chỉ có một đường mòn duy nhất dẫn ra đường cao tốc gần nhất và không có đường sắt chạy qua. Trong khu rừng có nhiều gấu hoang lang thang. Cùng lúc, Boeing vừa chế tạo nguyên mẫu của máy bay chở khách lớn nhất thế giới vừa xây dựng nhà máy để sản xuất.
Ngày nay, nhà máy Everett lớn hơn bất kỳ tòa nhà nào trên thế giới xét về thể tích. Theo sách kỷ lục thế giới Guinness, nhà máy có thể tích 13,3 triệu m3. Everett vẫn sản xuất một lượng nhỏ máy bay chở hàng 747, nhưng ngày nay nhà máy chủ yếu tập trung vào những mẫu máy bay nhỏ hơn như 767, 777 và 787. Dây chuyền sản xuất các dòng máy bay chiếm rất nhiều diện tích. Khu chính của Everett bao phủ 39 hecta, lớn hơn 30 lần quảng trường Trafalgar ở London, Anh.
Mỗi ca có 10.000 công nhân làm việc và mỗi ngày có ba ca. Trong 24 giờ, tổng số công nhân trong nhà máy chỉ kém một chút so với thành phố Alice Springs của Australia. Nhà máy Everett lớn đến mức có sẵn 1.300 chiếc xe đạp để giúp giảm thời gian đi lại. Ở đây cũng có trạm cứu hỏa và dịch vụ y tế riêng, cùng hàng loạt quán cà phê và nhà hàng phục vụ hàng nghìn công nhân.
Trên trần nhà máy có hệ thống cần trục dùng để di chuyển một số bộ phận máy bay nặng trong lúc lắp ráp. Chuyên viên vận hành cần trục nằm trong số những công nhân có tay nghề và được trả lương cao nhất tại nhà máy.
"Chúng tôi có quy định phải đi giày chuyên dụng, phụ nữ không dùng giày hở mũi hoặc cao gót, bất cứ thứ gì có thể làm bạn bị ngã hay đau chân. Bạn cũng phải đeo kính bảo hộ toàn thời gian trong nhà máy. Đó có thể là vấn đề đối với một số khách tham quan. Họ có thể nói 'Ồ, tôi đeo kính cận, thế là được rồi'. Nhưng như vậy không được", David Reese, người điều hành tham quan nhà máy, chia sẻ.
Tuy có hệ thống thông khí, trong nhà máy không có điều hòa nhiệt độ. Vào mùa hè, nếu trời quá nóng, các công nhân sẽ để mở những cánh cửa lớn để gió thổi vào. Trong mùa đông, nhiệt tỏa ra từ hơn một triệu ngọn đèn, lượng thiết bị điện tử khổng lồ và 10.000 công nhân làm việc góp phần xua tan cái lạnh. "Tôi chỉ cần mặc một chiếc áo len hoặc áo khoác mỏng là đủ", Reese nói.
Tòa nhà được cho là quá lớn và cao đến mức có những đám mây hình thành trên trần nhưng theo Reese, điều này không đúng. "Nhà máy vẫn đang được xây dựng khi chiếc máy bay đầu tiên trong quá trình sản xuất, do đó có một bức tường chưa xây kín. Chúng tôi nghĩ sương mù từ bên ngoài tích tụ bên trong nhà máy tạo nên quang cảnh mờ mịt như trong đám cháy rừng", Reese cho biết.