Thứ sáu, 10/1/2025
Thứ tư, 5/12/2018, 16:54 (GMT+7)

Bên trong nhà máy sản xuất điện thoại Vsmart

Nhà máy smartphone của VinGroup có công suất 5 triệu máy mỗi năm, sử dụng thiết bị lắp ráp ngoại nhập từ châu Âu, Mỹ và Singapore.

Nhà máy VinSmart được xây dựng trong khu tổ hợp sản xuất Đình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng). Công suất theo kế hoạch là 5 triệu sản phẩm mỗi năm ở giai đoạn một. Ban đầu, nhà máy chủ yếu sản xuất smartphone, sau đó sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng khác như thiết bị IoT, nhà thông minh, máy tính xách tay... Nhà xưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế cho các nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử là IPC-A-610. 

Khu vực chứa dây chuyền SMT (đóng gói, hàn linh kiện bề mặt) và kho bãi được giữ sạch ở Level 10.000, nhiệt độ ổn định ở 24 độ C, độ ẩm từ 40 đến 60%. Trong khi đó, các phòng test bo mạch, dây chuyền lắp ráp, đều được làm sạch ở Level 100.000, nhiệt độ ổn định 25 độ C và độ ẩm từ 30 đến 65%.  Trong ảnh là dây chuyền lắp ráp và hàn linh kiện bề mặt. 

VinSmart được thành lập vào tháng 6/2018. Theo đại diện nhà máy, tới tháng 10, số lượng máy về cơ bản đã đủ cho giai đoạn sản xuất đầu tiên. 

Dây chuyền sử dụng máy móc nhập từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Singapore. Trong hình là lò sấy SMT Reflow Nitrogen Oven của Electrovert Omni Max (Mỹ). Để kịp tiến độ lắp ráp, lò sấy này được vận chuyển về Việt Nam bằng chuyên cơ. 

Phần quan trọng nhất của dây chuyền là máy gắn chip lên bo mạch ASM Siplace-TX2i. Dù có cả loại máy cùng thương hiệu Siplace sản xuất tại Singapore với giá rẻ hơn nhưng Vingroup vẫn chọn mua loại sản xuất tại Đức để đảm bảo chất lượng.  Mỗi ngày, dây chuyền có thể lắp ráp được 13.000 bo mạch.

Các máy kiểm tra quang học tự động và Hệ thống băng tải bảng mạch đến từ hãng Kohyoung và Nute. 

Nhà máy VinSmart có khoảng 1.000 nhân lực. Việc mua lại 51% cổ phần của công ty di động Tây Ban Nha là BQ giúp VinSmart có nhiều chuyên gia đến từ hãng này sang làm việc, chuyển giao công nghệ. 

Khu vực hiệu chỉnh và kiểm tra bảng mạch được bố trí với các bài kiểm tra từ thông số vô tuyến đến các chức năng phần cứng của điện thoại. Phần mềm kiểm tra tự động được cung cấp bởi Qualcomm.

Chuyên gia của BQ trong phòng chụp bức xạ X để kiểm tra, phát hiện các lỗi của bo mạch. Mỗi bảng mạch gắn trên điện thoại đều có một mã QR lưu thông tin ngày giờ lắp ráp, tên công nhân lắp ráp và sử dụng trên băng chuyền nào nhằm quản lý chất lượng. 

Các khu vực lắp ráp và kiểm tra cần nhiều tới tay nghề của công nhân cũng đều có máy móc hỗ trợ tối đa cho tính chính xác, hạn chế tỷ lệ lỗi của thiết bị. 

Công nhân trong quá trình kiểm tra và đóng hộp cuối cùng cho sản phẩm. Trong ảnh là mẫu Active 1, một trong bốn smartphone chuẩn bị ra mắt của Vingroup vào ngày 14/12. 

Các máy thành phẩm được lựa chọn bất kỳ để thực hiện các bài thử như khả năng chịu va đập khi thả rơi, sức bền của nút bấm... Các lô hàng có sản phẩm lỗi đều bị kiểm tra lại toàn bộ trước khi xuất xưởng. Theo kế hoạch, điện thoại Vsmart sẽ có bốn model ra mắt năm 2018 và 10 model ra mắt năm 2019. 

Tuấn Hưng