Chiến sự Ukraine cho thấy kho dự trữ đạn pháo 155 mm của Mỹ và các đồng minh châu Âu không đáp ứng đủ nhu cầu pháo binh trong một cuộc xung đột quy mô lớn, khiến họ phải đẩy mạnh sản xuất.
Nguồn dự trữ đạn cạn kiệt thúc đẩy giới chức quân sự Mỹ đầu tư hàng tỷ USD cho các nhà máy sản xuất vũ khí trên toàn quốc, trong kế hoạch thay đổi sản xuất lớn nhất trong 4 thập kỷ qua.
Trọng tâm trong chương trình này là Nhà máy Đạn Lục quân Scranton (SCAAP) ở Pennsylvania, một trong hai cơ sở ở Mỹ sản xuất đạn pháo 155 mm, loại đạn quan trọng mà Washington đang đẩy mạnh viện trợ Kiev.
Tại nhà máy này, từng đoàn tàu chở hàng tấn thanh thép cỡ lớn tiến vào. Chúng sẽ được đúc thành đầu đạn pháo, nhưng giới chức quân đội Mỹ và nhà máy Scranton từ chối tiết lộ nguồn gốc số thép này, cũng như sản lượng của nhà máy.
"Đó là những gì Nga muốn biết", Justine Barati, sĩ quan thuộc Bộ Chỉ huy Đạn dược Liên quân Mỹ, nói.
Cho đến nay, Washington đã viện trợ hơn 35 tỷ USD vũ khí và thiết bị cho Kiev. Đạn pháo 155 mm là một trong những mặt hàng được cung cấp thường xuyên nhất, bên cạnh các hệ thống phòng không, tên lửa tầm xa và xe tăng.
Loại đạn này được sử dụng trên những khẩu lựu pháo cỡ lớn, cho phép Kiev tấn công mục tiêu ở khoảng cách 32 km.
"Chúng tôi hiểu rằng đạn 155 mm được sản xuất rất hạn chế, dù xung đột đã kéo dài hơn một năm. Thật không may là Kiev phụ thuộc rất lớn vào loại đạn này", nghị sĩ Ukraine Oleksandra Ustinova ngày 17/4 phát biểu tại một hội nghị của Quỹ Marshall Đức ở Washington.
Để bù đắp lượng đạn thiếu hụt, Lầu Năm Góc đã phân bổ khoảng 3 tỷ USD mua đạn từ các đồng minh, cũng như tăng sản xuất trong nước. Theo kế hoạch này, Lục quân Mỹ chi khoảng 1,5 tỷ USD để tăng sản xuất đạn 155 mm lên 85.000 viên/tháng vào năm 2028, so với mức trước khi Nga phát động chiến dịch là 14.000 viên/tháng.
Nhưng ngay khi đẩy nhanh sản lượng trong ngắn hạn, các nhà máy Mỹ cũng không thể kịp cung cấp đủ đạn 155 mm để bổ sung kho dự trữ hoặc bắt kịp nhu cầu của Ukraine. Quân đội Ukraine khai hỏa 6.000-8.000 quả đạn pháo 155 mm mỗi ngày, tương đương 1/2 lượng sản xuất mỗi tháng của Mỹ trước chiến sự.
Trong khi đó, quân đội Nga đang bắn khoảng 40.000 quả đạn pháo ngày, theo nghị sĩ Ustinova.
Đầu đạn pháo 155 mm đang được sản xuất tại nhà máy Scranton và một nhà máy khác ở Wilkes-Barre, đều do tập đoàn quốc phòng General Dynamics vận hành. Hai nhà máy có thể sản xuất 24.000 quả đạn/tháng, nhưng Lục quân Mỹ đang chi thêm 217 triệu USD để họ tăng cường sản xuất, song các quan chức không nêu con số chi tiết.
Nhà máy Scranton đã hoạt động 24/7 trong tuần và tăng ca vào cuối tuần, nhưng chưa rõ có thể tăng sản lượng đến mức nào.
Nhà máy Scranton đang tiến hành kế hoạch hiện đại hóa trị giá 120 triệu USD, với một dây chuyền sản xuất mới được kỳ vọng bắt đầu sản xuất vào năm 2025.
Nhưng nỗ lực này vấp phải nhiều trở ngại trong khâu giải phóng mặt bằng. Nhà máy được xây dựng sau năm 1900, các khu đất tại đây đều nằm trong khu vực lịch sử và quân đội Mỹ không thể thay đổi quá nhiều về cấu trúc công trình.
Bởi vậy, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ nhiều thách thức, khi quân đội Mỹ đưa thêm nhiều máy móc đến đây để tăng sản lượng.
Lục quân Mỹ còn thúc đẩy các hợp đồng mới với các nhà máy ở Texas và Canada để sản xuất đạn pháo 155 mm, cũng như tìm kiếm các đối tác ở nước ngoài để mở rộng sản xuất.
Tại nhà máy Scranton, các công nhân mất nhiều ngày mới hoàn thành vỏ đầu đạn pháo rồi chuyển chúng đến một nhà máy ở Iowa, nơi thuốc nổ được nhồi vào quả đạn. Quy trình này khiến quả đạn có thể mất hai tới ba tháng kể từ khi rời xưởng Scranton đến khi sẵn sàng được sử dụng.
Lục quân Mỹ không thể nhồi thuốc nổ tại nhà máy Scranton để rút ngắn thời gian, bởi nguy cơ xảy ra cháy nổ quá cao. "Nếu sự cố xảy ra, vụ nổ sẽ thổi bay một nửa thành phố", Richard Hansen, sĩ quan lục quân Mỹ tại nhà máy, nói.
Đức Trung (Theo AP, Washington Post)