Bác sĩ Uildeia Galvao, trưởng khoa chống Covid-19 tại một bệnh viện công ở Manaus, thủ phủ bang Amazonas, vẫn ám ảnh bởi đợt bùng dịch mùa xuân năm ngoái. Trong chưa đầy 10 ngày, nó phá tan hệ thống y tế vốn mỏng manh của thành phố. Người bệnh bị từ chối nhập viện, còn người chết chất đống trong các ngôi mộ tập thể.
Vì vậy, mùa xuân năm nay, bệnh viện của Galvao đã lên trước kế hoạch ứng phó. Họ tăng thêm giường bệnh, mọi công tác phòng chống làn sóng mới của Covid-19 được kế hoạch chi tiết.
Nhưng đợt sóng mới ập tới hoàn toàn khác lần trước. Qua một năm, virus đã biến đổi thành một chủng mới dễ lây hơn, gây tử vong cao hơn, được gọi là P.1. Lần này, P.1 chỉ mất 24 giờ để tàn phá "lò ấp" đã sản sinh ra nó.
Tại bệnh viện nơi Galvao làm việc, oxy dự phòng nhanh chóng cạn kiệt. Hàng chục bệnh nhân tử vong vì ngạt thở. Nhiều người nữa chết tại nhà. Cứ nửa tiếng một lần, lại có một tang lễ ở nghĩa trang.
"Chúng tôi đã dự trù, đã tăng giường bệnh, nhưng dù có chuẩn bị trước vẫn không ứng phó nổi", Galvao nói.
Thảm họa nhân đạo đang xảy ra tại thành phố rộng lớn nhất khu vực Amazon cho thấy hậu quả khi chính phủ không kiểm soát được dịch bệnh, phán đoán khoa học sai lầm cũng như sự thờ ơ của người dân trước một biến chủng mới có thể nguy hiểm hơn loại đã tấn công toàn cầu.
P.1 xuất hiện ở khu vực Amazon từ tháng 12/2020 và giờ đang chiếm phần lớn trong số ca nhiễm mới ở đây. Biến chủng này cũng được phát hiện ở Sao Paulo, thậm chí ở Nhật Bản. Ca nhiễm P.1 đầu tiên ở Mỹ được phát hiện hôm 25/1.
Các nhà khoa học đang chạy đua tìm hiểu biến chủng nCoV này. Họ đang cố xác định liệu nó có thực sự dễ lây hơn, hay số ca nhiễm tăng chỉ đơn giản do nhiều người lơ là phòng dịch. Câu hỏi lớn nhất là liệu P.1 có lây nhiễm cho người đã hồi phục sau khi nhiễm chủng phổ biến hơn hay không.
Số ca nhiễm không chỉ gia tăng, mà mức độ cũng nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân nhập viện chịu tổn thương phổi nặng hơn.
"Người ta từng nói có một biến chủng mới dễ lây hơn nhưng không nghiêm trọng hơn, nhưng đó không phải là chuyện đang xảy ra ở Manaus", nhà dịch tễ học Noaldo Lucena nói. "Đây không phải là cảm giác, mà là thực tế".
P.1 có thể tác động lớn đến toàn cầu. Từ khi đại dịch bắt đầu tới nay, Manaus, thành phố 2 triệu dân dọc sông Amazon, đã được các nhà khoa học nghiên cứu chặt chẽ. Chính quyền địa phương không thực hiện phong tỏa hay các lệnh hạn chế như nhiều thành phố khác của Brazil. Virus lây nhiễm cho phần lớn dân số một cách tự do.
"Manaus là đại diện cho một quần thể dân số dễ bị tổn thương. Nó cung cấp cho chúng tôi dữ liệu về chuyện xảy ra khi nCoV được phép lây lan tự do", trích một báo cáo khoa học tháng này trên tạp chí Science của một nhóm nghiên cứu.
Sau một thời gian, khi đợt sóng tháng 4 và tháng 5 lắng xuống, các nhà khoa học và quan chức chính phủ tự hỏi liệu thành phố đã đạt miễn dịch cộng đồng hay chưa. Một số nhà khoa học ước tính 3/4 dân số Manaus đã nhiễm bệnh. Nhiều người tin rằng thành phố đã vượt qua cơn khủng hoảng tồi tệ nhất.
"Lý do Manaus sẽ là thành phố Brazil đầu tiên đánh bại đại dịch Covid-19" là tựa đề bài viết của một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Liên bang Amazon.
Giờ thì không còn ai nói như thế nữa.
Cuối tháng 12, khi kỳ nghỉ lễ bắt đầu, Thống đốc Amazonas là Wilson Lima đã tranh luận với các quan chức trong bang về cách ứng phó đại dịch, khi số ca nhiễm, ca nhập viện và tử vong hàng ngày bắt đầu tăng. Các nhà khoa học liên tục kêu gọi chính quyền lập tức hạn chế hoạt động kinh doanh và tụ tập.
"Chúng ta cần cứu mạng người và không làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo này", nhà dịch tễ học Jesem Orellana viết. "Mạng sống mới là quan trọng".
Đêm Giáng sinh, Lima thông báo đóng mọi cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Người biểu tình lập tức xuống phố, chặn kín mọi con đường và phóng hỏa. Các chủ doanh nghiệp và nhà lập pháp cho rằng nền kinh tế không thể sống sót qua phong tỏa. Một phần ba số lao động trong thành phố làm việc ở các ngành nghề phi chính thức như bán hàng rong, giao hàng, giúp việc. Họ ép Thống đốc bãi bỏ sắc lệnh và trong vòng hai ngày, ông buộc phải làm theo.
Các nhà bán lẻ và nhà hàng tiếp tục kiếm bộn vào mùa lễ. Nhiều bữa tiệc lớn được tổ chức, có sự kiện lên tới 4.000 người đổ ra vui chơi khắp đường phố. Những người ủng hộ Tổng thống Jair Bolsonaro, người chủ trương không đóng cửa kinh tế vì Covid-19, cực kỳ vui mừng.
"Nhân dân mới là người có quyền", Eduardo Bolsonaro, con trai Tổng thống, viết.
"Bất chấp mọi lời cảnh báo, Manaus ghi nhận số ca tử vong giảm đáng kể từ tháng 6, cho thấy thành phố đã đạt miễn dịch cộng đồng", Osmar Terra, cựu thành viên nội các của Bolsonaro, nói.
Suy nghĩ này dường như đã khiến nhiều người dân Manaus rơi vào ảo tưởng. Ngay sau kỳ nghỉ lễ, số ca tử vong và nhập viện bùng nổ. Hệ thống y tế quá tải. Theo sở y tế thành phố, số ca tử vong tại nhà tăng từ 35 ca trong tháng 5 tới tháng 12 năm ngoái, lên 178 ca trong tháng 1.
Điều này khiến các nhà nghiên cứu Brazil, những người đã xuất bản bài báo trên tạp chí Science tháng trước rằng 76% người dân Manaus đã nhiễm virus, cực kỳ sốc.
"Làm thế nào mà 76% người dân bị nhiễm được khi lần bùng dịch này lớn hơn lần đầu?" Ester Sabino, tác giả của bài báo, viết. "Đây là điều khiến chúng tôi băn khoăn từ khi số ca nhiễm mới gia tăng".
Để tìm hiểu điều gì đang diễn ra, và tại sao thành phố không chống chọi được với làn sóng thứ hai, nhóm bắt đầu giải trình tự gene ca nhiễm mới.
Nhật Bản hôm 10/1 công bố phát hiện biến chủng mới lây cho 4 người trở về từ vùng Amazon của Brazil. Sau đó, nhóm của Sabino cũng công bố phát hiện sơ bộ, cho thấy chủng này chiếm 43% số ca Covid-19 lấy mẫu hồi tháng 12.
Khi virus lây lan qua một quần thể, chúng chắc chắn sẽ đột biến, dù đa số những thay đổi di truyền này không đáng kể. nCoV sinh ra vô số biến chủng khắp thế giới. Nhưng P.1 cùng biến chủng phát hiện ở Anh và Nam Phi đang đặc biệt gây quan ngại.
Nó không chỉ khiến protein đột biến tăng cao, dẫn tới tỷ lệ nhiễm cao hơn, mà còn chứa các đột biến có đặc tính "lẩn trốn", giúp trốn tránh hệ miễn dịch của cơ thể tốt hơn.
Sylvain Aldighieri, một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Liên châu Mỹ, người đã theo dõi tình hình dịch bệnh tại Manaus, cho hay không có bằng chứng nào cho thấy việc tái nhiễm là nguyên nhân hàng đầu của cuộc khủng hoảng y tế.
"Chúng ta cần thêm nhiều thông tin hơn", ông nói. "Chúng ta phải nâng cao ý thức chung trong thời điểm này. Manaus vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng".
Nhiều nhà khoa học khác hoài nghi về con số 76% người Manaus nhiễm Covid-19. Các bác sĩ cho hay họ chưa ghi nhận nhiều ca tái nhiễm, nhưng cảnh báo không thể biết được con số thực, bởi thành phố bị dịch bệnh tấn công đúng thời điểm vật tư y tế thiếu thốn nên ít người được xét nghiệm. Do đó, nếu chưa từng xét nghiệm, không thể biết được ai là người tái nhiễm.
Các nhà khoa học đã xác nhận một ca tái nhiễm và đang phân tích hàng chục ca khác. Mariana Leite, 31 tuổi, kỹ sư ở Manaus, từng phát hiện dương tính kháng thể hồi tháng 6 và khi đó cảm thấy "vô cùng nhẹ nhõm".
Cô không hề nghĩ rằng mình có thể tái nhiễm, nhưng xét nghiệm PCR của Leite cho kết quả dương tính ngày 8/1. "Tình hình này khiến ai cũng lo lắng", cô nói. "Chúng tôi cảm thấy dịch bệnh cứ kéo dài lê thê".
Trong khi đó, biến chủng P.1 dường như đã mở rộng phạm vi lây nhiễm. Hồi tháng 1, xét nghiệm mẫu trên 48 ca ở Nhật Bản cho thấy tỷ lệ nhiễm P.1 là 85%.
Hậu quả rất rõ ràng. Tới giữa tháng 1, hệ thống bệnh viện không chỉ hết giường bệnh như đợt đầu mà còn hết nguồn oxy. Một nhà dịch tễ học đã so sánh phòng bệnh với "buồng hơi ngạt". Hàng trăm bệnh nhân được chuyển khỏi thành phố, một số sang tận đầu bên kia đất nước.
Chính phủ liên bang được cảnh báo về thảm họa sắp xảy ra, theo một cuộc điều tra do tòa án tối cao yêu cầu, nhưng không không hành động quyết liệt để ngăn chặn nó.
Hôm 3/1, quan chức y tế địa phương báo cáo lên quan chức y tế liên bang rằng hệ thống y tế sẽ thất thủ trong vòng 10 ngày. Sau đó, công ty White Martins, đơn vị cung cấp oxy cho các bệnh viện ở Manaus, cảnh báo không đáp ứng kịp nhu cầu. Ngày 14 và 15/1, hàng chục người đã chết vì thiếu oxy cấp cứu.
Bộ Y tế Brazil cho rằng đã cử bác sĩ chi viện và giúp thành phố tăng giường bệnh. Bộ trưởng Eduardo Pazuello, người đang bị Tổng chưởng lý điều tra về cáo buộc không hành động kịp thời trước đại dịch, đang bám trụ ở Manaus để chống dịch.
"Số ca nhiễm mới tăng đáng kể từ đầu tháng 1, tổng số ca nhiễm đã tăng gấp ba", Pazuello nói hôm 26/1. "Đây là tình huống mà cả thế giới chưa biết nên ứng phó thế nào bởi nó diễn tiến quá nhanh".
Thống đốc Lima một lần nữa ra lệnh đóng cửa mọi cơ sở kinh doanh không thiết yếu và áp lệnh giới nghiêm. Ông cảnh báo tình hình những tuần tới còn khó khăn hơn. Nhu cầu oxy trong tháng 2 sẽ cao hơn 70% so với những ngày tệ nhất trong tháng 1.
Với nhà dịch tễ học Lucena, ông cảm thấy vô cùng đau đớn khi hình dung chuyện sẽ thế nào khi tình hình tồi tệ hơn.
"Chúng ta đang chứng kiến cái chết hàng ngày, điều mà lẽ ra có thể tránh được", Lucena nói. "Chọn ai sống, ai chết, ai được thở oxy, ai không. Mọi chuyện giống như một bộ phim kinh dị".
Hồng Hạnh (Theo Washington Post)