Chủ nhật, 15/12/2024
Thứ sáu, 27/4/2018, 11:03 (GMT+7)

Bên trong làng đình chiến Panmunjom - nơi lãnh đạo Hàn Triều gặp nhau

Làng Panmunjom là nơi duy nhất trên thế giới mà du khách khi đặt chân tới phải ký giấy cam đoan tự chịu an toàn cho tính mạng bản thân.

Panmunjom là ngôi làng đặc biệt trên bán đảo Triều Tiên, cách Seoul về phía bắc 55 km và nằm trên đường biên giữa Hàn Quốc - Triều Tiên. Vào năm 1953, đây là nơi lãnh đạo hai nước ký hiệp định đình chiến. Do vậy Panmunjom còn có tên gọi là làng đình chiến.

Đây cũng là nơi vừa diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai miền Hàn - Triều.

Tuy nhiên, hiệp định hai nước ký với nhau chỉ là "đình chiến" chứ không phải hiệp định hòa bình. Do vậy người dân ở hai nước vẫn không được tự do đi lại, sang thăm nhau. Ngày nay, vẫn có khoảng một triệu binh lính của hai miền nam - bắc đóng quân ở khu vực này.

Trên ảnh là hình lính Triều Tiên nhìn qua cửa sổ vào căn phòng nơi có binh lính Hàn đóng quân.

Nằm ở khu vực phi quân sự, đây được đánh giá là ngôi làng nguy hiểm nhất thế giới. Đồng thời, nó cũng là điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu thế giới. Những du khách tới đây tham quan phải ký vào một bản cam kết về việc có thể sẽ bị chết hoặc bị thương khi vào làng.

Panmunjom cũng là phần duy nhất tại khu vực phi quân sự mà binh lính hai miền mặt đối mặt nhau hàng ngày.

Trên ảnh là Bridge of No Return - cây cầu Một đi không trở lại. Cầu nằm ở khu vực an ninh chung (Joint Security Area - gần Panmunjeom) của Hàn Quốc và Triều Tiên. Mỗi bên cầu là một điểm kiểm tra an ninh của hai nước.

Trong các cửa hàng lưu niệm ở khu phi quân sự, người dân Hàn Quốc thường chăm chú theo dõi tình hình phía Triều Tiên. Trên ảnh, hai người đàn ông đang lắng nghe một bài phát biểu của Kim Jong Un - lãnh đạo Triều Tiên.

Dù khu vực này luôn căng thẳng, gây lo lắng cho bất kỳ du khách yếu tim nào thì cuộc sống quanh làng của người dân vẫn diễn ra bình thường. Họ vẫn đi học, đi làm, các cửa hàng lưu niệm vẫn được mở.

Trên ảnh là hàng rào DMZ - nơi người dân viết những lời mong ước của mình lên một dải ruy băng rồi treo lên thành cầu. Hầu hết những lời ước trên đó đều là mong muốn thống nhất hai miền nam - bắc hoặc có cơ hội được gặp lại người thân của mình ở bên kia biên giới.

Ảnh: Business Insider

Anh Minh

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net