Thứ bảy, 28/9/2024
Thứ sáu, 19/7/2019, 14:05 (GMT+7)

Bên trong khu tham quan cầu kính, thác Dải Yếm ở Mộc Châu

Nhiều hạng mục vẫn đang thi công để tạo cảnh quan, lan can được dựng lên hai bên lối đi để khách tiếp cận thác Dải Yếm dễ dàng hơn.

Cầu kính nằm cạnh thác Dải Yếm, xã Mường Sang, Mộc Châu (Sơn La) bắt đầu đón khách từ 25/4. Đây là cây cầu kính đầu tiên ở Việt Nam, xây dựng trong 4 tháng với chiều rộng 2 m, dài 80 m.

Để tham quan cầu kính ở độ cao 22 m, du khách sẽ phải leo lên các bậc thang bộ với hàng cây gắn hoa giả màu đỏ, hồng phủ xuống lối đi.

Khách tham quan đi qua cầu phải đeo đôi bọc giày bằng nhung, để tránh xước kính. Theo chủ đầu tư, cây cầu có thể chứa chịu được sức nặng của 100 người một lúc. Anh Khuất Minh Hoàng (Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cảm thấy cầu xây dựng chắc chắn. Với người sợ độ cao tôi nghĩ như thế này là đủ, nhưng bản thân tôi muốn cây cầu cao hơn, khoảng 100 – 200 m”.

Nằm cạnh cây cầu kính mới xây dựng là thác Dải Yếm nổi tiếng của Mộc Châu. Ngọn thác cao khoảng 100 m, chia làm hai nhánh, một bên có 9 tầng và một bên 5 tầng.

Thác Dải Yếm hình thành từ hợp lưu của suối Vặt và Bó Sập đổ xuống vùng núi đá vôi. Thời gian thích hợp để tham quan thác Dải Yếm từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, khi lượng nước đổ về nhiều tạo nên khung cảnh hùng vĩ.

Vào mùa hè, dòng thác chảy mạnh khiến không gian xung quanh mát lạnh bởi gió và bụi nước. Ngọn thác chảy yếu và ít nước hơn khi bước vào mùa khô. Hiện khu vực này được xây dựng lối đi và lan can bao quanh, giúp du khách tiếp cận thác dễ dàng hơn trước.

Thác Dải Yếm và cầu kính nằm trong khuôn viên một khu du lịch mới đi vào hoạt động, một số hạng mục tạo cảnh quan vẫn đang tiếp tục thi công.

Một góc đồi nhìn từ khuôn viên khu du lịch thác Dải Yếm. Giá vé vào cổng là 50.000 đồng một người, miễn phí với trẻ em cao dưới 1,2 m. Du khách muốn tham quan cầu kính phải mua vé riêng giá 100.000 đồng một người lớn và 50.000 đồng với trẻ em cao dưới 1,3 m.

Trên đường vào tham quan, du khách sẽ đi qua một loạt quầy bán đồ lưu niệm, đặc sản địa phương như thịt trâu, lợn gác bếp; các loại củ, rễ cây và đồ chơi, móc chìa khoá…

Kiều Dương

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net