Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ sáu, 12/11/2021, 08:56 (GMT+7)

Bên trong hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh

Trung QuốcTàu điện ngầm Bắc Kinh là hệ thống lâu đời nhất Đông Á, với chiều dài hơn 700 km, phục vụ hơn 10 triệu lượt khách mỗi ngày.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang vận hành mạng lưới tàu điện ngầm có tổng chiều dài 727 km, xuyên suốt 12 quận nội ngoại thành, kết nối tới một huyện ở Lang Phường, thành phố thuộc tỉnh Hà Bắc lân cận.

Hệ thống hiện có 24 tuyến với 428 trạm, bao gồm 19 tuyến vận chuyển nhanh. Trong ảnh là cổng vào tuyến tàu số 16 ở ga Vĩnh Phong, tây bắc Bắc Kinh. Ảnh: Thu Hà.

Hành khách đứng đợi tàu ở ga Vĩnh Phong, Bắc Kinh, ngày 10/11. Ảnh: Thu Hà.

Tàu điện ngầm Bắc Kinh xây dựng từ những năm 1960, ban đầu nhằm phục vụ mục đích quốc phòng. Theo Guardian, lãnh đạo Mao Trạch Đông tuyên bố Bắc Kinh cần xây dựng tàu điện ngầm sau một chuyến thăm tới thủ đô Moskva của Liên Xô.

Trong trường hợp Bắc Kinh bị không kích, hệ thống này sẽ dùng để di tản người dân tới đỉnh Phong Lĩnh, ngoại ô thành phố, từ đó sơ tán tới các vùng an toàn khác.

Tàu điện ngầm Bắc Kinh bắt đầu vận hành ngày 15/1/1971, là hệ thống đường sắt đô thị lâu đời nhất ở Trung Quốc đại lục và Đông Á. Trước khi các chuyến tàu tốc độ cao được đưa vào hoạt động năm 2002, tàu điện ngầm Bắc Kinh chỉ có hai tuyến.

Sơ đồ các tuyến tàu điện ngầm và tàu điện trên cao ở Bắc Kinh, mỗi tuyến được ký hiệu bằng một màu. Ảnh: Beijing Travel

Tàu điện ngầm Bắc Kinh là một trong những hệ thống đường sắt nhộn nhịp nhất thế giới, vận chuyển khoảng 10,5 triệu lượt khách mỗi ngày. Bắc Kinh dự kiến nâng tổng chiều dài hệ thống lên hơn 998 km, phục vụ 18,5 triệu lượt khách mỗi ngày tới cuối năm 2021.

Hệ thống tự động bán vé lượt hoặc nạp tiền vé tháng ở ga Vĩnh Phong. Ảnh: Thu Hà

Nhiều người Bắc Kinh thích đi tàu điện ngầm hơn ôtô vì nhanh và tiện lợi hơn khi di chuyển trong nội đô.

"Đi ôtô từ Vĩnh Phong tới Thiên An Môn mất một tiếng rưỡi, còn đi tàu điện ngầm chỉ mất gần 60 phút", Nguyễn Thị Thu Hà, 36 tuổi, quê Hải Phòng, đang công tác tại Viện nghiên cứu học thuật và thực hành kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, chia sẻ.

Hệ thống bán vé tự động hiển thị tuyến tàu, số lượng vé, giá tiền và phương thức thanh toán bằng tiền mặt, quét ví điện tử hoặc tiền số nhân dân tệ. Giá vé thấp nhất là 3 tệ cho quãng đường dưới 6 km, cao nhất là 10 tệ cho quãng đường 92-112 km. Ảnh: Thu Hà

"Sau sự cố chết người do chen chúc và ngã xuống đường tàu vài năm trước, các tuyến tàu điện ngầm và tàu trên cao ở Bắc Kinh đều lắp đặt hệ thống cửa kính ngăn cách khu vực chờ tàu với đường ray", Thu Hà nói.

Thu Hà chờ tàu đến tại nhà ga sau khi mua vé.

"Tuyến số 16 là tuyến hiện đại nhất Bắc Kinh, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2020", Thu Hà nói. Tuyến này chạy thẳng vào nội thành Bắc Kinh, tới thư viện quốc gia và Di Hòa Viên (Cung điện mùa hè), còn chiều ngược lại chạy tới đỉnh Phong Lĩnh, ngọn núi nổi tiếng ở phía tây bắc thủ đô.

Hành khách bên trong toa tàu điện ngầm tuyến số 16 ở Bắc Kinh ngày 10/11. Ảnh: Thu Hà.

Khoang tàu bố trí ghế ngồi cùng nhiều vị trí cầm nắm cho hành khách. Trên vách gắn màn hình điện tử hiển thị thông tin về ga sắp tới, nhà vệ sinh, sơ đồ thang máy...

Các màn hình trên tàu chiếu hàng loạt tin tức thời sự, chương trình giải trí và thông tin công cộng. Quảng cáo được hiển thị qua cửa sổ kính hai bên đường hầm khi tàu tăng tốc giữa các ga.

Sau khi xuống tàu, hành khách sử dụng thang máy để đi lên mặt đất. Trong ảnh là lối ra ở cổng ga Vĩnh Phong, Bắc Kinh, ngày 10/11. Ảnh: Thu Hà.

Từ ga tàu điện ngầm, hành khách có thể đi bộ hoặc sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi hoặc dịch vụ cho thuê xe đạp để tới các địa điểm tiếp theo.

Trong ảnh là xe đạp công cộng bên ngoài cổng B, ga Đại Quan Doanh, tuyến tàu điện ngầm số 7 của thành phố Bắc Kinh, hồi tháng 5/2020. Ảnh: Beijing News.

Bên trong hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh
 
 

Một chuyến tàu ở ga Vĩnh Phong ngày 12/11. Video: Thu Hà

Hồng Hạnh