VNExpress

Thứ ba, 31/12/2024
Chọn địa danh
Thứ năm, 10/9/2020, 14:05 (GMT+7)

Bên trong địa đạo được đề nghị là Di sản Thế giới

TP HCMĐịa đạo Củ Chi với hệ thống hầm chằng chịt, dài hơn 200 km sẽ được đệ trình lên UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi) với hệ thống đường hầm dài hơn 200 km, là cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn - Gia Định, góp phần không nhỏ vào công cuộc thống nhất đất nước.

Vừa qua, UBND thành phố đã có văn bản ý kiến Bộ Quốc Phòng về chủ trương lập hồ sơ di tích địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Theo UBND thành phố, địa đạo Củ Chi đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Ngày nay di tích địa đạo được bảo tồn ở hai khu vực Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng) và Bến Đình (xã Nhuận Đức), thu hút du khách khi đến TP HCM. Một số đường hầm được cải tạo, mở nắp rộng hơn cho du khách tham quan.

Trong địa đạo rất hẹp, chỉ cho một người đi và phải cúi sát mặt đất mới di chuyển được. Ngày nay, những đoạn hầm cho khách tham quan đều được lắp đèn.

Hệ thống địa đạo được đào từ năm 1946 và diễn ra trong suốt hơn 20 năm. Địa đạo đào trên một khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, ít bị sụt lở. Những đường hầm, căn cứ ngầm sâu dưới lòng đất từ 3 đến 12 m; gồm 3 tầng có thể chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng.

Các đường hầm theo hình xương sống tỏa ra nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Trong chiến tranh, đối phương liên tục tấn công vào địa đạo bằng đủ phương tiện: bom, bơm nước, hơi ngạt... nhưng do hệ thống được thiết kế có thể cô lập từng phần nên bị hư hại không nhiều.

Giếng nước sâu khoảng 10 m được đào bên trong hệ thống địa đạo.

Nhiều đoạn hầm rất nhỏ, chỉ có thể di chuyển bằng cách nằm trườn người chui vào trong.

Lối vào và thoát thực tế của các chiến sĩ ở địa đạo rất nhỏ, chỉ phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Khi nắp hầm đóng lại được ngụy trang bằng lá khô, đất cát...

Không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi. Dọc theo đó, cứ khoảng 10 - 15 m đều có khoét những lỗ thông hơi và thông gió bí mật lên trên mặt đất, ngụy trang giống như ụ mối đùn.

Các đường dẫn đến những tầng có hầm ở và làm việc của lãnh đạo, hầm y tế, ăn uống, chứa lương thực và vũ khí, ổ chiến đấu, giếng nước, bếp, công binh xưởng, nhà may quân trang...

Ngày nay, một số hầm được mở lớp đất phía trên, lợp mái, bên trong phục dựng mô hình để du khách dễ hình dung về cuộc sống dưới hầm trong thời chiến.

Bếp dã chiến Hoàng Cầm mang tên người sáng tạo ra, được sử dụng phổ biến trong địa đạo. Loại bếp này có công dụng làm tan loãng khói tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao. Xung quanh bếp đều có những hầm nhỏ dẫn đến các căn cứ ngầm khác.

Khu hầm xưởng công binh với mô hình các chiến sĩ đang làm vũ khí, quân trang, quân dụng, đồ dùng sinh hoạt... từ các mảnh bom đạn, lốp xe... thu giữ của đối phương.

Mô hình địa đạo Củ Chi được trưng bày để khách tham quan dễ hình dung.

Trong khu địa đạo còn trưng bày nhiều máy bay, xe tăng, vũ khí, bom đạn... từng được sử dụng trong chiến tranh. Ở khu Bến Dược có đền tưởng niệm liệt sĩ, khu tái hiện giải phóng và một số trò chơi như bơi, bắn súng sơn, chèo thuyền...

Địa đạo Củ Chi thu hút khách tham quan đông nhất là vào dịp cuối tuần, ngày lễ Tết. Giá vé vào 60.000 đồng một người để tham quan toàn bộ địa đạo, mỗi khu vực đều có hướng dẫn viên.

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net