Chủ nhật, 15/9/2024
Thứ tư, 12/4/2023, 14:41 (GMT+7)

Bên trong bảo tàng vào top điểm đến hấp dẫn nhất

TP HCMBảo tàng chứng tích chiến tranh là nơi duy nhất của Việt Nam trong top 99 điểm đến hấp dẫn thế giới, đông khách tham quan mỗi ngày.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh đứng thứ 61 và là đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách 99 điểm du lịch hút khách nhất thế giới của Stasher, ứng dụng trông hành lý giúp du khách có đối tác tại 250 thành phố trên thế giới.

Bảo tàng nằm trên đường Võ Văn Tần, quận 3, thành lập năm 1975, chuyên nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày về chứng tích tội ác, hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cơ sở vật chất hiện tại được xây từ năm 2002, hoàn thành sau 8 năm.

Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, được đưa vào giới thiệu ở các chuyên đề trưng bày thường xuyên như: Vũ khí trưng ngoài trời, Chế độ lao tù, Chất độc da cam, Những sự thật lịch sử, Tội ác chiến tranh.

Ở khu trưng bày ngoài trời là hàng chục phương tiện quân sự, vũ khí, bom đạn từng sử dụng trong các cuộc chiến. Phía trước mỗi hiện vật đều có bảng cung cấp thông tin cho du khách.

Chiếc máy bay CH-47 từng được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1965. Đây là loại trực thăng vận tải hạng nặng dùng để chuyển quân, vũ khí, tiếp tế hậu cần.

Hai bên hông bảo tàng trưng bày nhiều loại bom đạn đủ chủng loại, kích cỡ. Nổi bật là quả bom địa chấn có chiều cao 3,35 m, nặng 5,7 tấn. Loại bom này được thả từ máy bay C.130, khi nổ gây chấn động mạnh trong phạm vi đường kính 100 m, được sử dụng ở Việt Nam từ năm 1970.

Ngoài trời còn có khu chuyên đề "Chế độ lao tù" với không gian phục dựng lại mô hình "chuồng cọp" trong nhà tù Côn Đảo, cùng nhiều hiện vật, hình ảnh. Nơi đây từng được xem là "địa ngục trần gian" với nhiều tù nhân từ thời Pháp thuộc cho đến khi đất nước thống nhất.

Một du khách nước ngoài tham quan chuồng cọp, là phòng giam chỉ rộng khoảng 5 m2, bị cùm xích, không có giường nằm hay cửa sổ. Một số hình thức tra tấn cùng hiện vật đi kèm được giới thiệu đầy đủ trong khu chuyên đề này.

Khu trưng bày "Chế độ lao tù" dành một phòng để giới thiệu về chiếc máy chém có từ thời Pháp. Máy chém cao 4,5 m, lưỡi dao nặng 50 kg, được Pháp mang sang Việt Nam đầu thế kỷ 20 để đàn áp phong trào cách mạng.

Không gian bên trong gồm tầng trệt và hai lầu, trưng bày các chuyên đề về tội ác chiến tranh, chất độc da cam, sự thật lịch sử.

Hàng trăm loại vũ khí, bom đạn loại vừa và nhỏ được giới thiệu chi tiết kèm hình ảnh minh hoạ ở bên trong bảo tàng.

Ngoài du khách trong và ngoài nước, bảo tàng là nơi nhiều sinh viên tới tham quan thực tế cho môn học. "Lần đầu được ghé đây, em ấn tượng vì có nhiều hiện vật về chiến tranh. Em thích nhất là khu về nhà tù với tư liệu rất trực quan", Lê Thị Ngọc Đẹp (thứ hai từ trái qua), Đại học KHXH&NV TP HCM cho biết. Nữ sinh 21 tuổi cùng nhóm bạn tới để viết bài thu hoạch cho môn học về ngành Lưu trữ.

Theo báo cáo từ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, riêng trong tháng 3, nơi này đón gần 12.000 lượt khách đến tham quan, trung bình thu hút trên một triệu khách mỗi năm. Bảo tàng mở cửa từ 7h30 đến 17h30 mỗi ngày, không nghỉ trưa, giá vé 40.000 đồng một người.

Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net