Một công trình giống như phi thuyền bằng kính, nơi làm việc của 12.000 nhân viên Apple trong tương lai, chuẩn bị "hạ cánh" tại trung tâm Thung lũng Silicon cùng khả năng tự cung cấp nguồn điện. Còn trụ sở hiện tại của hãng này nằm ở One Infinite Loop, Cupertino, California (Mỹ). Trong suốt 3 thập kỷ, nơi đây luôn được coi là "một trong những tổ chức hoạt động bí mật nhất thế giới".
Rất ít người có cơ hội vào bên trong tòa nhà chính. Hầu hết khách đến thăm được đội bảo vệ chặn lại, đưa họ trở lại lối đi hoặc hướng dẫn họ tới quầy bán lưu niệm để mua áo phông in logo quả táo khuyết.
Môi trường làm việc căng thẳng và bí mật
Trụ sở Apple luôn là điều bí ẩn. Ảnh: Wikipedia. |
Trong cuốn sách Inside Apple được xuất bản tuần này, tác giả Adam Lashinsky mô tả cuộc sống bên trong Apple dưới con mắt của các cựu nhân viên.
"Apple không nói về Apple. Apple nói về sản phẩm Apple. Nó giống như một văn phòng không cửa sổ với một CEO có nắm đấm thép. Nhân viên không đưa ra các câu hỏi và họ để lại cái tôi nơi cửa ra vào. Chỉ duy nhất một người được phép thể hiện cái tôi nơi công cộng. Đó là Steve Jobs", Lashinsky nhận xét trên Telegraph. "Không khí làm việc căng thẳng. Môi trường áp lực cao. Nó không phóng khoáng như ở Google. Nó không phải nơi hạnh phúc nhưng nhiều người đã trưởng thành và trở nên giàu có trong môi trường đó. Nó giống một cái nồi áp suất và nhiều người lại thích như thế".
Mỗi nhân viên Apple là một mắt xích trong chuỗi zíc zắc và chỉ một người biết cách xâu chuỗi lại với nhau là CEO - vai trò mà Steve Jobs trao lại cho Tim Cook từ cuối năm ngoái.
Những căn phòng không cửa sổ, bị khóa trái là nơi các sản phẩm như iPhone và iPad được thảo luận. Ngay cả lãnh đạo cao cấp cỡ Phó chủ tịch cũng chỉ được mời vào phòng để trình bày về phần họ phụ trách trong thiết kế chung rồi được yêu cầu rời khỏi phòng. Ít ai hình dung toàn bộ sản phẩm trông như thế nào.
Thông tin được giữ kín giữa khoảng 100 người được Steve Jobs tự tay lựa chọn. Đến ngày công bố sản phẩm, nhân viên Apple ngồi theo dõi trên TV và có thể họ cũng sẽ ngạc nhiên như bao người khác dù họ góp phần làm ra nó.
Trách nhiệm giữ bí mật ăn sâu trong mỗi nhân viên. Bất cứ ai bị phát hiện đã tiết lộ một phần sản phẩm, dù là vô tình hay cố ý, cũng sẽ lập tức bị sa thải. "Không chỉ bị đuổi việc, họ còn có nguy cơ gánh hình phạt cao nhất mà các luật sư của Apple có thể đề nghị. Điều đó khiến tôi cảm thấy ngột ngạt. Tôi phải thận trọng trong mọi thứ mình làm. Đôi khi tôi gặp ác mộng. Tuy nhiên, điều đó tạo nên lòng trung thành giữa các nhân viên trong việc bảo vệ sản phẩm", một cựu nhân viên giấu tên chia sẻ với Lashinsky.
Tim Cook từng thừa nhận: "Đó là một phần trong sự kỳ diệu của Apple. Và tôi không muốn ai biết về sự thần kỳ đó bởi tôi không muốn họ sao chép lại". Tuần này, Apple được ước tính giá trị 415 tỷ USD, xếp thứ hai thế giới chỉ sau Exxon.
'Tim Cook nên được bầu làm tổng thống'
Tim Cook cũng quan tâm đến từng tiểu tiết khi xây dựng sản phẩm nhưng có cách điều hành nhã nhặn hơn Steve Jobs. Ảnh: Getty Images. |
Tim Cook, CEO của Apple, chưa thể hiện được tài diễn thuyết như Steve Jobs nhưng rất được lòng nhân viên. "Tim Cook có sức hút của một lãnh đạo và ông ấy nên được bầu làm tổng thống tiếp theo của chúng ta. Tôi có thể nói điều đó đầy tự tin", một nhân viên khẳng định.
Trước làn sóng chỉ trích Apple gần đây liên quan đến đời sống cực khổ của công nhân tại nhà máy Foxconn, Tim Cook gửi đi một e-mail dài khẳng định: "Chúng tôi quan tâm đến mọi công nhân trong chuỗi cung ứng của mình trên toàn cầu. Chúng tôi luôn kiểm tra các nhà máy mỗi năm, thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện điều kiện làm việc của hàng trăm nghìn công nhân, giúp họ hiểu về quyền của họ để họ có thể lên tiếng khi thấy điều kiện làm việc không an toàn hay bị đối xử bất công. Không hãng công nghệ nào khác làm được điều như Apple. Chúng tôi sẽ không làm ngơ trước những vấn đề trong chuỗi cung ứng".
Steve Jobs muốn công nghệ Lytro
Ren Ng giới thiệu Lytro. |
Cuốn sách mới cũng chia sẻ một điều thú vị là Steve Jobs quan tâm đến công nghệ "chụp ảnh trước, lấy nét sau". Adam Lashinsky phỏng vấn CEO của Lytro là Ren Ng. Giám đốc 32 tuổi này cho biết Jobs hẹn gặp ông vào tháng 6/2011 để bàn về camera và thiết kế sản phẩm. Ông cũng gửi e-mail cho Jobs nhắc đến việc Lytro có thể được tích hợp trong sản phẩm Apple.
Một tuần sau cuộc gặp, Ren Ng công bố Lytro. Thiết bị cho phép người sử dụng không chuyên, ít am hiểu về nhiếp ảnh có thể thoải mái chụp rồi sau đó mới chọn điểm lấy nét tùy ý. Sản phẩm hiện được đặt hàng với giá 400 USD cho bản 8 GB và 500 USD cho bản 16 GB.
Châu An