Thông tin được ông Dương Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre, cho biết tại buổi họp báo thông tin hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, sáng 26/9. Dự án lấn biển nằm trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng phê duyệt cuối năm ngoái.
Theo quy hoạch, Bến Tre có 3 vùng kinh tế gồm ven biển phía đông (Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và không gian biển thuộc địa phận tỉnh Bến Tre với chiều dài 65 km), vùng bắc sông Hàm Luông (TP Bến Tre, Châu Thành và Giồng Trôm) và nam sông Hàm Luông (Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách).
Trong đó khu lấn biển vùng phía đông được xác định là vùng động lực phát triển gồm huyện Bình Đại rộng 21.000 ha, huyện Thạnh Phú 15.000 ha và huyện Ba Tri 14.000 ha. Khu lấn biển sẽ được đầu tư một cảng biển để đón tàu công suất lớn.
"Tại vùng kinh tế hướng ra biển phía đông sẽ ưu tiên phát triển ngành thủy sản, năng lượng, giao thông vận tải, logistics kết hợp thương mại dịch vụ, du lịch", ông Phúc nói.
Để tạo tiền đề cho khu kinh tế lấn biển, tỉnh hiện tập trung triển khai dự án đường ven biển dài 53 km, tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng, đến cuối năm sau hoàn thành. Cầu Ba Lai 8 - một trong công trình quan trọng của đường ven biển, tổng đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng - sẽ khởi công đầu tháng 10.
Đầu tháng tới, Bến Tre sẽ tổ chức hội nghị kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh.
Bến Tre nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long, rộng 2.380 km2, dân số hơn 1,3 triệu (năm 2022), xếp thứ 28 cả nước. Những năm qua, tỉnh tăng trưởng kinh tế khá, bình quân 6-7% mỗi năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 53 triệu đồng mỗi người, tăng 8,13% so năm trước.
Nam An