31/3 là thời hạn cuối cùng các tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng du lịch phải rời khỏi Bến Bạch Đằng và tìm chỗ neo đậu mới theo lệnh của UBND TP HCM. Bến Bạch Đằng sẽ được cải tạo, chỉnh trang theo quy hoạch.

Thông báo chuyển bến tàu cánh ngầm từ Bến Bạch Đằng, quận 1, về cảng Sài Gòn, quận 4. Ảnh: V.Q.
Trong sáng nay, nhiều doanh nghiệp đã treo băng rôn lớn và bảng thông báo chuyển bến đậu của tàu từ Bến Bạch Đằng (quận 1) sang số 5 Nguyễn Tất Thành, quận 4 (Cảng Sài Gòn). Phòng vé của các hãng tàu cánh ngầm cũng chuyển sang địa chỉ mới.
Việc tìm bến đậu mới thay thế bến Bạch Đằng được các chủ doanh nghiệp tàu cánh ngầm và tàu nhà hàng cho biết là rất khó khăn. Hiện đã có bến đậu mới, song họ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh vì không thuận tiện.
"Có bến bãi mới thì tàu chúng tôi có chỗ neo đậu để hoạt động. Tuy nhiên, lượng khách cũng giảm đáng kể bởi du khách nước ngoài cho bến tàu mới nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu", giám đốc một doanh nghiệp nói và cho biết trong thời gian chờ thành phố quy hoạch công ty của ông sẽ không dám đầu tư phát triển thêm các chuyến tàu khác.

Theo lệnh UBND TP HCM, từ ngày mai các tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng không còn được neo đậu tại Bến Bạch Đằng.
Trước đó, cuối tháng 12/2014, Sở Giao thông Vận tải TP HCM thông báo chủ trương của thành phố là sẽ không tiếp tục cấp phép hoạt động cho bến Bạch Đằng, kể từ ngày 1/1. Bến không được phép hoạt động thì cảng vụ sẽ không thể cấp phép cho tàu, thuyền xuất bến. Sau đó, thành phố cho gia hạn đến ngày 31/1, tiếp tục đến 31/3.
Bến Bạch đằng là điểm du lịch nổi tiếng của TP HCM. Hiện, bến có gần 60 phương tiện hoạt động gồm các loại tàu cánh ngầm, tàu chở khách du lịch và tàu nhà hàng.
Giữa năm 2013, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương giao cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đầu tư khai thác và quản lý bến Bạch Đằng, biến nơi đây thành cảng du lịch để phát triển du lịch đường sông cùng các dịch vụ vui chơi giải trí khác.
Hữu Nguyên