Điều gì đã xảy ra ở đây?
Thực chất, đám mây giông là một ăcquy tích điện khổng lồ. Những điện tích âm tập trung ở phần dưới của đám mây giông, còn phần trên là các điện tích dương. Ngoài ra, các điện tích dương cũng tập trung ở chân mây. Vì sao lại như vậy? Câu hỏi không phải là dễ trả lời. Người ta cho rằng điều đó xảy ra do các hạt mưa rơi được phun tỏa ra trong không khí.
Mỗi một giọt nước mưa đều tích điện, ở tâm mỗi hạt thường có điện tích dương, còn trên bề mặt là điện tích âm tương đương với nó. Trong đám mây giông luôn luôn có những dòng không khí mạnh bốc lên. Chúng táp vào những giọt mưa đang rơi và làm các giọt đó tan thành từng hạt nhỏ hơn. Những phần nhỏ bị gió tách ra khỏi nhân chính của các giọt mưa đều mang điện tích âm, còn các phần lớn hơn còn lại của các giọt mưa bị vỡ ra lại tích điện dương. Những hạt nhỏ và nhẹ hơn bị dòng không khí đưa lên cao, những hạt nặng hơn nằm lại bên dưới.
Đó là các quá trình phân bố điện tích có bản chất khí quyển ở các phần dưới và trung bình của mây dông. Ở những lớp trên trong các dòng không khi đi lên, các tinh thể băng chuyển động với vận tốc lớn. Khi va chạm vào nhau, chúng bị vỡ nhỏ ra và cũng nhiễm điện. Bụi băng mang các điện tích dương bốc lên trên đỉnh mây, còn các mảnh băng khí quyển lớn hơn tích điện âm lại hạ xuống thấp hơn và tạo ra vùng điện tích âm.
Đại thể, bộ ăcquy khí quyển được nạp điện như vậy. Tiếp theo, định luật vật lý bình thường được thể hiện: các điện tích trái dấu hút nhau. Vì vậy, khi một phần đám mây giông tích điện dương, phần khác tích điện âm, thì cả hai loại điện tích đều cố gắng hấp dẫn lẫn nhau. Và điện tích âm của mây dông và điện tích đương tụ lại trên mái nhà, cây cối, cũng hút nhau như vậy, nhưng không khí, một môi trường dẫn điện kém, lại ngăn trở sự kết hợp đó.
... " Cỗ máy sấm sét" của khí quyển được tích điện ngày càng nhiều hơn. Cuối cùng đã đến lúc không khí không thể còn cản trở sự kết hợp của hai loại điện tích khác dấu đó nữa. Và những tia chớp loằng ngoằng bắt đầu loé lên ngang dọc bầu trời.
Sự phóng điện trong không khí đốt nóng bầu không khí rất mạnh. Áp suất không khí tăng đột ngột đến hàng ngàn atmotphere. Tiếp theo, sự việc xảy ra cũng giống như sự bùng nổ của các khí bị nung nóng: ở nơi tia chớp chạy qua liền sinh ra các sóng hơi do nổ hệt như trong bất kỳ vụ nổ nào. Đó chính là tiếng sấm.
Tia chớp thẳng nom như một con sông lớn ngoằn ngoèo có nhiều nhánh phụ vẽ trên bản đồ địa lý. Sự phóng điện trong không khí xảy ra ở những chỗ ít bị cản trở nhất. Chiều dài các tia lửa điện đó cỡ vài kilômet, đôi khi đạt tới hàng chục kilômet!
Còn có một dạng khác nữa của sét, đó là sét phẳng. Nó tựa như sự loé bùng ánh sáng điện trong các đám mây. Hãn hữu cũng có khi người ta có thể thấy các loại sét khác nhau như sét hình tên lửa, sét chuỗi và sét hòn. Sét chuỗi giống như hạt cườm sáng chói; trên nền các đám mây, sét chuỗi trông như một đường chấm chấm. Sét hình tên lửa như chiếc lên lửa được phóng vào không trung.
Trong truyện ngắn "tia chớp đen", nhà văn Nga nổi tiếng A. L. Kuprin có mô tả một trường hợp thú vị xảy ra trong cơn giông: "Đó là một trong những cơn giông khủng khiếp đôi khi vẫn hoành hành trên các vùng hạ du rộng lớn. Bầu trời không loé lên các tia chớp mà có vẻ như là tất cả đều tỏa sáng nhờ ánh chớp lung linh các sắc màu xanh da trời, xanh thẫm và trăng lóa. Và không hề nghe thấy một tiếng sấm nào...
Và rồi tôi nhìn thấy tia chớp đen. Tôi thấy bầu trời mạn phía đông sáng lên do ánh chớp, nó không tắt đi mà lúc thì tỏa rộng ra, lúc thì thắt lại, và bỗng nhiên trên bầu trời xanh lung linh những tia chớp lửa ấy tôi nom thấy rõ lạ lùng tia chớp đen loé lên trong khoảng khắc. Lập tức, cùng với tia chớp ấy vang lên tiếng sấm kinh hoàng như xé rách bầu trời và mặt đất và ném tôi xuống những mô đất mấp mô".
Nhìn thấy tia chớp đen - làm sao lại có thể như thế được? Điều bí ẩn là ở chỗ mắt người đã bị chói lóa vì sự nhấp nháy liên tục của ánh sáng rực rỡ. Và khi bùng lên một tia chớp chói lọi hơn nữa, đôi mắt mệt mỏi liền thu nhận tia chớp ấy như một bóng tối không có chút ánh sáng nào.
Không thể không nói đền những bí ẩn chưa được khám phá của "lửa trời" khi đi tìm hiểu nó. Vào thế kỷ trước, nhà bác học danh tiếng người Pháp Camin Flamariông đã thu thập hàng trăm bằng chứng về các vụ sét đánh. " Không có vở kịch nào, - ông nhận xét, - không có trò ảo thuật nào lại có thể đua tranh được với sét về tính bất ngờ khác lạ của các hiệu quả do nó tạo ra. Có vẻ như sét là một vật chất đặc biệt, một cái gì tựa hồ nằm giữa những sức mạnh vô ý thức của tự nhiên và linh hồn có ý thức của con người; đó là một vị thần nào đó, khéo léo và kỳ khôi, ranh mãnh và ngốc nghếch, tinh tường hay mù quáng, đầy ý chí hay nô lệ, chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, đáng sợ và khó hiểu. Chúng tôi sẽ không đưa ra những lời giải thích, cứ để cho các sự kiện nói lên chính mình: độc giả sẽ thấy thú vị hơn nhiều khi tự mình suy nghĩ về một hiện tượng ấy.
Tại một thị trấn nhỏ nước Pháp, sét đánh chết ba người lính đứng tránh cơn giông bên gốc cây bồ đề. Cả ba người lính ấy vẫn đứng như chưa hề có chuyện gì xảy ra cả. Sau khi tan giông, những người qua đường hỏi chuyện mà không thấy ba người lính đáp lại, họ bèn chạm tay vào ba người ấy. Cả ba cái xác đều tan vụn ra như một đống tro tàn!.
Người ta biết nhiều trường hợp người bị sét đánh chết hay làm cho ngất đi đều bị trụi tóc hoàn toàn. Trong những trường hợp khác, sét đốt sạch quần áo nhưng không mảy may động chạm tới da. Đôi khi sét lại thiêu đốt quần áo lót mà quần áo ngoài vẫn nguyên vẹn.
Sét thường giật ra khỏi ta người ta những đồ vật khác nhau và đưa chúng đi xa. Chẳng hạn, có người bị sét giật cái cốc khỏi tay và ném nó xuống sân, thế mà cái cốc lại không vỡ, và người cầm cốc không hề bị thương. Một cậu bé vác cái nạng gảy rơm trên vai đi từ trang trại ra: sét giật cái nạng ra và ném nó đi xa năm mươi mét. Có những trường hợp được ghi lại thành biên bản đàng hoàng là sét đánh và để lại trên cơ thể người những dấu vết của các đồ vật khác nhau bằng kim loại.
Bác sĩ Đrendingơ ở ngoại ô thành phố Viên (Áo) từ ga xe lửa trở về nhà. Khi ra khỏi xe ngựa, ông sờ ví thì thấy chiếc ví đã không cánh mà bay. Ví của ông làm bằng mai rùa, trên nắp có khảm chữ lồng tên họ của ông làm bằng thép: hai chữ "Đ" lồng vào nhau.
Buổi chiều hôm ấy ông bị gọi đến chỗ một người nước ngoài bị sét đánh và được tìm thấy khi đã bất tỉnh nhân sự dưới một gốc cây. Dấu vết đầu tiên mà bác sĩ nhận thấy trên tay nạn nhân là chữ lồng tên họ của chính ông như đã được chụp ảnh vậy. Bác sĩ liền quả quyết rằng trong túi nạn nhân nhất định có một chiếc túi làm bằng mai rùa, và điều khẳng định đó đã được chứng thực.
Sét đánh vào một cái cây dưới gốc có mấy đứa trẻ đang ngồi. Trên mình một em có in dấu hình cây lá như xăm vậy. Khi đánh vào một cung điện, sét gỡ hết lớp vàng mạ trên một chiếc đèn chùm. Người ta còn biết một trường hợp cực kỳ hãn hữu là sét ... làm chảy cả chiếc hoa tai bằng vàng trên tai một người phụ nữ mà bà ta vẫn hoàn toàn lành lặn.
Quả là cũng khó mà tin được những sự kiện đó, song đã có hàng chục, hàng trăm người chứng kiến đại loại. Đành phải thừa nhận là chúng ta hoàn toàn còn chưa khám phá ra bản chất của các vụ phóng điện khí quyển nguy hiểm ấy.
Có thể nói gì được ở đây nhỉ? Đã từ lâu khoa học chứng minh được rằng: bất kỳ một hiện tượng nào trên thế giới này, cho dù thoạt đầu có vẻ bí ẩn thế nào chăng nữa, rốt cuộc cũng được giải thích theo quan điểm duy vật. Một điều khác nữa cũng đã được làm sáng tỏ: thế giới chúng ta đang sống là vô cùng vô tận trong các biểu hiện của nó. Vì vậy chúng ta luôn luôn tìm thấy trong đó cái cần phải nghiên cứu, cần phải khảo sát bằng thực nghiệm. Nhận thức của chúng ta không biết đến cái tận cùng. Mỗi ngày và mỗi thế kỷ, chúng ta luôn luôn nhận biết thêm một điều gì mới trước kia chưa từng biết, nhưng những điều bí ẩn bao giờ cũng có.
Và ở đây, trước mắt chúng ta có một trong những bí ẩn thú vị nhất của tự nhiên mà khoa học cần phải khám phá. Có thể, ai mà biết trước được, trong số các bạn, những người đang đọc cuốn sách này sẽ có một người hiến cuộc đời mình cho việc nghiên cứu sét, cái mà tổ tiên chúng ta coi là một vũ khí ghê gớm của các vị thần.
Và sau đây là vài lời khuyên để kết luận. Ta biết rằng các vụ phóng điện khí quyển thường nhắm vào các cây cao mọc đơn lẻ. Đứng tránh cơn giông giữa những cây đó là hứng nguy hiểm vào mình. Người nào đi bơi lúc có giông thì thật dại dột: đầu người đang bơi là điểm nhô cao nhất đối với sét.
Bạn có biết là có một số loại cây cứ như là hút sét vào mình không? Tính ra, trong 100 trường hợp, 54 lần sét đánh vào cây sồi, 24 lần đánh vào cây dương, 10 lần đánh vào cây bách tán, 6 lần vào cây thông, 4 lần vào cây lê và cây anh đào. Sét hoàn toàn không đánh vào bạch dương và phong (tất nhiên, nếu chúng mọc trong rừng hỗn hợp rậm rạp, chứ không lẻ ở chỗ trống). Vì sao vậy? Điều này đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Không nên trú vào đống cỏ khô trên đồng. Nói chung, ở bất kỳ chỗ bào bằng phẳng và quang đãng, con người rất dễ bị nguy hiểm. Có lần ở Angarxcơ, sét đánh cả vào một cầu thủ bóng đá trong lúc anh ta đang thi đấu trên sân vận động (!)
Các vụ phóng điện khí quyển thường đánh vào ống khói. Vì vậy trong lúc có giông, tốt nhất là nên tránh xa các bếp lò. Nguyên tắc này áp dụng cho các vùng nông thôn và cho các tuyến đường dây điện. Người ta biết có những trường hợp sét đánh vào người ở cách đường dây điện 2 - 3 mét.
(còn nữa)