Việt Nam được nhận định là một trong những thị trường công nghệ phát triển nhanh và hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Trong lĩnh vực gọi xe qua di động, thị trường này thu hút cả những ông lớn của khu vực và những đấu thủ "thuần Việt", trong đó có beGroup.
Đây là doanh nghiệp vận tải ứng dụng công nghệ do người Việt sáng lập vào năm 2018 với mục tiêu phục vụ lợi ích lâu dài của người dùng Việt Nam. Bắt đầu với dịch vụ gọi xe, beGroup hiện đã mở rộng sang lĩnh vực giao hàng, đi chợ online, dịch vụ tài chính, cùng nhiều dịch vụ khác tích hợp trên nền tảng công nghệ. Ứng dụng "be" cũng nhận được đánh giá cao từ người dùng, với 4,7 điểm trên Google Play và 4,5 điểm trên App Store.
Anh Ngụy Như Vĩnh Thịnh, tài xế gia nhập beCar từ tháng 8/2019 cho biết, anh đã từng tham gia làm đối tác tài xế của nhiều ứng dụng, cuối cùng anh chọn "be".
"Tôi muốn công việc được đảm bảo và có nhiều thuận lợi. Khách hàng của 'be' chủ yếu là dân văn phòng, họ rất lịch sự và am hiểu công nghệ", anh Thịnh nói.
Hướng đến phát triển bền vững
Bà Nguyễn Hoàng Phương - CEO của beGroup cho biết, chiến lược của doanh nghiệp này ngay từ đầu không phải là giành giật thị phần bằng mọi giá mà là xây dựng một doanh nghiệp bền vững, tạo ra những giá trị tốt hơn cho người tiêu dùng Việt Nam với tư cách là một doanh nghiệp nội địa.
Trong khi nhiều công ty công nghệ vẫn chấp nhận lỗ, be đã đạt điểm hòa vốn trong 2020. Sau hai năm hoạt động, be trở thành ứng dụng gọi xe đầu tiên tại Việt Nam cũng như trong khu vực đạt cột mốc này. CEO beGroup tin tưởng lợi nhuận sẽ đến vào năm 2021.
Theo bà Nguyễn Hoàng Phương, "be" chỉ đầu tư những nguồn lực hợp lý để chiếm 30% thị phần gọi xe. Theo báo cáo của ABI Research, "be" là ứng dụng gọi xe công nghệ lớn thứ hai trong nước tính đến tháng 9/2019.
Ứng dụng này đã được tải về trên hơn 8 triệu thiết bị di động. Công ty có hơn 100.000 tài xế, kết nối khoảng 350.000 chuyến xe mỗi ngày. Kể từ khi chính thức ra mắt, "be" đã hoàn thành trên 80 triệu cuốc xe beBike và beCar tại 10 tỉnh thành.
CEO của doanh nghiệp này khẳng định, đối với "be", cuộc chiến thị phần không quan trọng bằng việc thu hút khách hàng một cách tự nhiên thông qua phương châm "khách hàng và đối tác là trọng tâm". Điều đó giúp ứng dụng có được sự tin tưởng của khách hàng và đối tác tài xế, doanh nghiệp.
"Sau giãn cách xã hội, khách hàng tích cực ủng hộ trở lại. Điều này không nằm ngoài dự đoán bởi beGroup từ đầu đã định hướng chọn tệp khách hàng nhất định, mục tiêu gây dựng nhóm khách hàng trung thành", bà Phương chia sẻ.
Tập trung nguồn lực
Mảng gọi xe vẫn mang lại nguồn thu chủ yếu cho beGroup. CEO công ty này tin tưởng cơ hội còn nhiều để đổi mới và phát triển ngành vận tải của Việt Nam.
Theo CEO beGroup, các doanh nghiệp chưa khai thác hết thị trường. Riêng tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của ngành vận tải trong nước là 38% cho thấy dù các ứng dụng gọi xe khác đã ở đây 5-6 năm vừa qua, nhưng thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển.
Theo Statista.com, mảng gọi xe công nghệ và taxi của Việt Nam có thể đạt giá trị hai tỷ USD trong năm nay và 4,3 tỷ USD vào năm 2024. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng ước tính ở mức 106,9 USD trong năm nay và dự báo có thể tăng gấp đôi trong vòng 4 năm tới.
Đại diện beGroup cũng cho biết, beGroup không định vị mình là một siêu ứng dụng mà tập trung vào đổi mới, đột phá thị trường vận tải truyền thống thông qua ứng dụng công nghệ. Tận dụng mạng lưới tài xế, "be" mở rộng sang dịch vụ giao hàng vào năm 2019. Covid-19 khiến dịch vụ "be Đi Chợ" ra mắt sớm hơn dự kiến và đạt mức tăng trưởng ngoạn mục 200-300% mỗi tháng.
Bên cạnh đó, beGroup cũng không theo đuổi mảng giao đồ ăn và ví điện tử bởi cho rằng những mảng này sẽ "gặm nhấm" mục tiêu tăng trưởng bền vững của công ty.
"Các mảng kinh doanh như gọi đồ ăn hay thanh toán trực tuyến qua ví cũng là mảng có sự cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường và có nhiều người tham gia hơn, khác với gọi xe", bà Nguyễn Hoàng Phương nói.
Chiến lược của "be" là hợp tác để tăng trưởng, hướng đến tạo nền tảng mở thay vì tự giới hạn hoạt động. Trong lĩnh vực vận tải, doanh nghiệp này hợp tác cùng Vexere và các hãng taxi nội địa. Còn trong dịch vụ tài chính, ngoài đối tác chiến lược VPBank, công ty này đã hợp tác rộng rãi với Ví MoMo và các đơn vị khác để thực hiện dịch vụ thanh toán cũng như chương trình khách hàng thân thiết. Mô hình hợp tác này được coi là động cơ gia tăng lợi nhuận trong tương lai mà không cần "đốt tiền".
Phát triển cùng thị trường
CEO Nguyễn Hoàng Phương khẳng định beGroup sẽ đầu tư một cách khôn ngoan. Doanh nghiệp này cũng đã chứng tỏ sức mạnh nội tại và khả năng phát triển thông qua các sản phẩm, dịch vụ và kế hoạch mở rộng trong tương lai. Công ty cũng chọn chiến lược cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác nhằm tạo ra giá trị cho người tiêu dùng.
"Cạnh tranh là động lực để hoàn thiện bản thân và mang lại nhiều giá trị cho khách hàng. Mất đi cạnh tranh sẽ mất đi giá trị dịch vụ và cuối cùng, tài xế và khách hàng chịu thiệt thòi nhất", CEO beGroup khẳng định.
Một khảo sát gần đây của Nielsen cho thấy chỉ số nhạy cảm về giá của người Việt cao hơn hẳn so với các nước châu Á khác. Nếu một công ty tăng giá sản phẩm, dịch vụ 1%, thì doanh số tương ứng sẽ giảm 2%. Thêm vào đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng trở nên quan tâm đến chất lượng và sự tiện lợi của sản phẩm, dịch vụ hơn là giá cả, theo báo cáo của Deloitte hồi đầu năm.
Trong bối cảnh đó, "be" cam kết không tăng giá để đảm bảo lợi ích dài hạn của người tiêu dùng. Định hướng của doanh nghiệp này là tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt nhất để chinh phục người dùng, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
"Nếu lúc trước khách hàng còn e ngại với các sản phẩm Việt thì tôi tin hôm nay, beGroup đã chứng minh khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng của mình với các đối thủ đến từ nước ngoài", vị CEO này nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong những thị trường lạc quan nhất sau đại dịch ở châu Á, theo nghiên cứu của Kantar, hứa hẹn một sự phục hồi nhanh chóng trong xu hướng tiêu dùng.
Vũ Khánh (theo DealStreatAsia)