Before Sunset của Hà Nhật Tiến ra mắt trên một hòn đảo ở vịnh Hạ Long chiều tối 18/5. Sự kiện thuộc chương trình Fashion Voyage mùa thứ hai của đạo diễn Long Kan. Với 29 mẫu thiết kế thể hiện chủ đề về nước, Hà Nhật Tiến đem tới một bữa tiệc thịnh soạn của kỹ thuật dựng phom dáng, màu ánh bạc và cách thức xử lý chất liệu.
Before Sunset diễn ra trong 10 phút, như một chuyến tàu tốc hành đưa khán giả trở về quá khứ (thập niên 1980) rồi hướng thẳng đến tương lai (phong cách futuristic). Phong cách thập niên 1980 - quá khứ vàng son của làng mốt - tái hiện trong show diễn với những tay áo phồng lớn trên blazer, váy liền thân hay bodysuit. Mọi thứ đều trở nên lớn hơn bình thường, từ cầu vai, tay áo và trang sức, nhằm khơi gợi một thập kỷ của sự ngoại cỡ. Đây cũng là phong cách thế giới đang tích cực lăng xê và Hà Nhật Tiến đã theo đuổi trong vài năm trở lại đây ở các bộ sưu tập nhỏ lẻ. Với anh, quá khổ là một cách thể hiện bản ngã, sự phoáng khoáng của giới trẻ.
Nếu thời trang những năm 1980 là một nét chấm phá trong bộ sưu tập, phong cách futuristic (vị lai) là sợi chỉ đỏ xuyên suốt gần 30 thiết kế. Bắt nguồn từ năm 1909, vị lai là trào lưu đoạn tuyệt với tất cả phương thức nghệ thuật chính thống hoặc theo lối truyền thống, hướng đến tính hiện đại triệt để. Ở đó, yếu tố công nghệ và kỹ thuật được tôn sùng tuyệt đối.
Khi nhắc đến phong cách thời trang futuristic là nhắc đến những trang phục đắm chìm trong màu ánh kim. Toàn bộ thiết kế lần này của Hà Nhật Tiến chỉ sử dụng một màu bạc nổi bật trên nền mây trời, non nước vào thời khắc chạng vạng. Đó là những chiếc sơ mi hay jumpsuit nhũ, đầm cocktail đính kim sa hoặc kỹ thuật phối nhiều lớp, váy tối giản nhưng đính kết từ những chi tiết mang kết cấu các khối hình học, được may bằng những chất liệu không chính thống như metallic, sequin, kim loại, mica tráng gương. Các kỹ thuật như dập ly, in chuyển nhiệt trên sequin, tạo khối 3D, đính kết, đan móc... được áp dụng triệt để, làm tăng hiệu quả thị giác. Ngoài ra, da, nhung, lưới, kaki lụa, organza hay simili... được khai thác xen kẽ, tạo nên một tổng thể hài hòa và dễ ứng dụng. Kết hợp sự phản quang của màu ánh kim và phụ kiện nhựa, tất cả tạo nên tính hiện đại và tương lai đúng tinh thần futuristic.
Hà Nhật Tiến vốn thích đưa cá tính mạnh vào các bộ sưu tập khiến chúng gây tranh cãi và kén người dùng. Với Before Sunset, nhà thiết kế vẫn giữ phong cách thiết kế ấy nhưng được tiết chế một cách vừa phải để phù hợp với chủ đề về nước và bối cảnh của show diễn. Cùng là thập niên 1980 với chủ nghĩa ngoại cỡ, nhưng được làm nhỏ bớt kích thước, hài hòa với vóc dáng. Vẫn là futuristic có phần nổi loạn, phô trương, nhưng được thực hiện trên phom dáng cơ bản và dễ mặc như đầm hai dây, đầm suông cộc tay, đầm dạ tiệc phối corset.
Bộ sưu tập có cả những mẫu đầm nhẹ nhàng như hai dây, xếp tầng, đầm bodycon xẻ ngực... lẫn những thiết kế nặng về cấu trúc, có phom dáng mạnh mẽ, dữ dội như bodysuit tay bồng, đầm maxi cầu vai lớn, đầm lệch vai... Chúng được nhà thiết kế sắp xếp xen kẽ thay vì trình diễn những trang phục cơ bản rồi đến đặc biệt theo lẽ thường, mô tả trạng thái nhịp nhàng của nước. "Không có gì nhẹ nhàng như nước và cũng không có gì mạnh mẽ như nước", anh nói.
Cách đây gần 10 năm, Hà Nhật Tiến được biết đến lần đầu với bộ sưu tập Đi tìm hình của nước. 10 năm sau, anh tiếp tục thử thách bản thân bằng đề tài quen thuộc này. Nhà thiết kế khẳng định không rập khuôn, đi vào lối mòn. Before Sunset là câu trả lời cho một diện mạo mới trong ngôn ngữ thời trang của Hà Nhật Tiến. Ở đó, khán giả thấy một sự chín chắn, trưởng thành của anh trong từng đường may, cách dựng phom, xu hướng thiết kế và biết cân bằng giữa ứng dụng và nghệ thuật.