Tôi có một bé trai hơn 8 tuổi. Hồi con được khoảng 3 - 4 tuổi, tôi đã mua lợn đất cho con để đút tiền mừng tuổi hoặc tiền lẻ vào cho có ý thức tiết kiệm. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi nhận thấy con hay đòi hỏi mua đồ chơi, sách truyện, đồ ăn vặt... theo ý thích, có nhắc để dành bỏ lợn cũng không hưởng ứng nữa.
Khi con được 6 tuổi chuẩn bị vào lớp một, tôi đã quyết định cùng con đập lợn đất và đếm số tiền thu được. Tôi dùng một quyển sổ tay gọi là "sổ tiết kiệm" với tổng số tiền ban đầu là số tiền thu được từ lợn đất. Quyển sổ này tôi giao cho con được giữ với các quy định cụ thể về việc cộng, trừ tiền vào sổ. Ví dụ: khi được điểm 9, 10, tôi sẽ cộng cho 9.000 đồng hoặc 10.000 đồng vào sổ. Khi bị dưới 5 điểm sẽ bị trừ tiền như: 4 điểm trừ 6.000 đồng, 3 điểm trừ 7.000 đồng. Con được cô cho bông hoa cũng được cộng tiền, nếu bị cô giáo phê bình sẽ bị trừ tiền.

Bé Đức Tuấn ghi rõ kể hoạch chi tiêu vào quyển sổ tiết kiệm.
Tôi giao hẹn với con rõ ràng: "Bố mẹ sẽ chi cho con tiền ăn uống theo gia đình, tiền học, quần áo, thuốc men, mua truyện chữ (để khuyến khích con đọc truyện chữ thay vì truyện tranh); các dịp Tết Thiếu nhi, Trung thu, sinh nhật sẽ có hạn mức quà là 50.000 - 100.000 đồng (tùy vào điều kiện của bố mẹ thời điểm đó). Tôi sẽ đưa con đến cửa hàng đồ chơi hoặc hàng sách tùy mong muốn của con để con tự xem giá và chọn lựa. Nếu con mua nhiều hơn hạn mức thì số tiền phải chi thêm sẽ trừ vào sổ tiết kiệm, nếu mua ít hơn sẽ được cộng thêm số tiền thừa vào sổ.
Ngày bình thường, các khoản như mua đồ chơi, đồ ăn vặt, truyện tranh... theo ý thích cá nhân thì phải tự trừ sổ tiết kiệm để mua. Tất nhiên, tôi sẽ hướng cho con mua những thứ phù hợp với độ tuổi. Thu - chi trong sổ chỉ có hiệu lực nếu có chữ ký của mẹ vào từng dòng cho mỗi lần thêm hoặc bớt. Khi nào cần chi thì mẹ cho tiền, vậy là tiền mặt mẹ sẽ giữ, tránh lãng phí khi để nhiều năm trong lợn đất. Do tôi làm ở ngân hàng nên bé cũng rất yên tâm và tin tưởng "ngân hàng mẹ".

Bé Đức Tuấn bên gia đình.
Thời gian đầu, tôi giúp con ghi sổ, về sau giao cho con tự cộng - trừ, viết vào sổ, mẹ chỉ ký khi kết quả đúng. Kể từ khi sử dụng sổ tiết kiệm, tôi thấy con có ý thức hơn hẳn, muốn mua gì cũng tính toán suy nghĩ xem nên mua hay không, chọn loại nào cho rẻ. Cũng có nhiều khi dở khóc dở cười với cái sự tiết kiệm đấy. Có lần bảo con đi mua chai tương ớt ở siêu thị mini ngay dưới nhà thì thấy con đi khá lâu mới về. Tôi hỏi kỹ xem con rong chơi nhà ai thì hóa ra là chọn đến 3 cửa hàng để được giá thấp nhất (chênh độ 500 - 1.000 đồng). Đi bộ thì coi như tập thể dục chứ đi xe là không bõ tiền xăng rồi.
Vào dịp Tết đầu tiên sau khi đập lợn, lúc đầu, con đòi được cộng hết số tiền được mừng tuổi vào sổ. Tôi thỏa thuận với con là chọn một trong hai phương án: một là chỉ cộng sổ tiền mừng tuổi của bố mẹ, ông bà và các bao lì xì dưới 50.000 đồng. Hai là mẹ con mình tính tổng tiền mẹ mừng tuổi cho mọi người và tổng tiền con được mừng tuổi, nếu con nhận được nhiều hơn thì được cộng số chênh hơn, nếu mẹ chi nhiều hơn thì con trích sổ tiết kiệm bù cho mẹ. Vậy là con chốt phương án một. Tết năm đó, họ hàng người thân mừng tuổi trên 50.000 đồng là con lại nói thầm: "Cháu chỉ lấy dưới 50.000 đồng thôi ạ!". Lúc hỏi ra lý do thì ai cũng buồn cười và còn mừng tuổi thêm cho con tiền lẻ 10.000, 20.000 đồng để được ghi sổ.
Sau một thời gian áp dụng phương pháp "Sổ tiết kiệm" cho con tự quản lý thu chi, kết quả thu được là con không còn đòi hỏi mua đồ như trước nữa (chắc vì tự tay phải trừ tiền trong sổ cũng thấy "xót" hơn), biết cộng trừ tiền rất chuẩn. Do con có mục tiêu là để dành tiền mua smartphone nên rất tích cực tăng thu, giảm chi. Bố mẹ cũng đỡ nhức đầu vì mỗi lần con có ý định xin mua gì chỉ cần nhắc: "Con có tiền trong sổ tiết kiệm đấy, thích mua gì cứ trừ đi!".
Quỳnh Anh
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Chaching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 7/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây