Bé được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật.
Ngày 9/1, ThS.BS Vũ Xuân Hoàn, khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trẻ vào viện trong tình trạng tinh hoàn trái sưng nề, bầm tím, tụ máu vùng bìu. Siêu âm cho thấy tinh hoàn trái bệnh nhân không tưới máu, không có tín hiệu mạch, cần phải mổ cấp cứu.
"Quá trình phẫu thuật ghi nhận tinh hoàn trái bị vỡ một nửa bó mạch thần kinh, tuy nhiên nhu mô vẫn còn tưới máu tốt, ê kíp quyết định lấy máu tụ, khâu cầm máu và bảo tồn tinh hoàn cho trẻ", bác sĩ Hoàn nói, thêm rằng ca phẫu thuật thành công, sức khỏe trẻ ổn định.
Theo bác sĩ Hoàn, trẻ chơi thể thao nhiều lợi ích, học hỏi được nhiều kỹ năng và có thái độ sống tích cực. Song, môn thể thao nào cũng có thể dẫn đến chấn thương, đặc biệt là các môn có tính đối kháng, như bóng đá. Nhiều trẻ bị chấn thương tinh hoàn do tai nạn, chơi thể thao hoặc ngã xe đạp phải nhập viện, trong đó có trường hợp nặng phải cắt bỏ tinh hoàn.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo trước khi chơi bất kỳ môn thể thao nào, trẻ nên được biết các quy tắc chung của trò chơi và cách giữ an toàn cho mình cũng như người chơi. Trẻ cần được trang bị dụng cụ thể thao có kích thước phù hợp, vừa vặn, sân chơi đảm bảo an toàn. Khi chơi, trẻ phải được giám sát bởi những người đủ tiêu chuẩn chuyên môn.
Lê Nga