Một tuần trước, trẻ xuất hiện mụn nước cẳng chân và vùng đầu, to nặng hai chân, sau đó sốt, ho húng hắng, đau đầu, co giật toàn thân, li bì. Bé được đưa vào Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, kết quả xét nghiệm máu cho thấy các chỉ số nhiễm khuẩn tăng cao, ảnh chụp CT phổi có tổn thương đông đặc lan tỏa hai bên, chụp MRI sọ não cho thấy tổn thương viêm, siêu âm thấy tràn dịch đa màng.
Bác sĩ Đinh Thị Lan Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện, ngày 1/11 cho biết bệnh nhân suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, viêm não, viêm cầu thận thể tăng huyết áp. Bé phải thở oxy, dùng kháng sinh, chống phù não, lợi tiểu, kiểm soát huyết áp.
Sau một tuần điều trị tích cực, trẻ tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn ổn định, vận động tri giác tốt.
Bác sĩ Trần Văn San, Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết viêm cầu thận cấp là bệnh lý gây tổn thương thận cấp tính. Với trẻ em, nguyên nhân thường gặp là sau nhiễm liên cầu khuẩn.
Bệnh khởi phát đột ngột, phù toàn thân, tiểu ít, tiểu máu, tiểu đục, tăng huyết áp và có thể nguy hiểm đến tính mạng do suy thận cấp, suy tim cấp, phù não..., đặc biệt là biến chứng co giật. Viêm cầu thận nếu không được điều trị đúng cách, tổn thương thận kéo dài làm suy thận mạn về sau.
Theo bác sĩ, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và kéo dài, nhiều phụ huynh ngại đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, chủ quan với các dấu hiệu bệnh lý, tự mua thuốc cho trẻ uống tại nhà. Nhiều bệnh nhi đến viện trong tình trạng bệnh diễn biến rất nặng, điều trị trở nên khó khăn, mất "thời gian vàng". Do vậy, ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu sốt cao hoặc nhiệt độ hạ, phù, tiểu buốt, tiểu máu, tiểu nhiều lần... cần đưa đến bệnh viện để khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng không hồi phục.
Thùy An