Ngày 2/11, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ cho biết suốt thai kỳ, bệnh nhân chỉ khám thai hai lần. Đến tuần thai thứ 39, thai phụ chuyển dạ, nhập viện trong tình trạng sức khỏe bình thường.
Thăm khám ban đầu, bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị thoát vị hoành trái, tiên lượng dè dặt. Ê kíp giải thích người nhà các nguy cơ có thể gặp phải sau khi trẻ chào đời.
Sau sinh, bé trai nặng 3,1 kg không khóc, toàn thân tím tái, phải đặt nội khí quản và chuyển khoa Sơ sinh chỉ định mổ cấp cứu. Tuy nhiên, trước phẫu thuật, trẻ ngừng tuần hoàn (ngừng tim, ngừng thở), sau đó tử vong.
Bác sĩ cho biết thoát vị hoành bẩm sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh, thường ở vị trí lỗ sau và bên trái của cơ hoành. Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ, các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày, ruột non, lách.
Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh thường có tổn thương phổi nặng nề. Bệnh thường gặp với tỷ lệ 1/12.500 trẻ mới sinh ra, tỷ lệ tử vong 30 đến 50%. Trẻ có triệu chứng suy hô hấp ngay sau sinh, khó thở, tím tái, thường thấy ngay từ nhịp thở đầu tiên, bụng lõm, ngực phồng...
Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp đáng tiếc do gia đình chủ quan, không theo dõi thai kỳ. Trong giai đoạn mang thai, cơ thể người mẹ có những thay đổi liên tục và khó dự đoán. Trong đó, khám thai đúng kế hoạch là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng thường gặp, cũng như chẩn đoán sớm những dị tật bẩm sinh của thai nhi để điều trị kịp thời.
Minh An