Ngày 26/8, bác sĩ Vũ Hiệp Phát, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bé được đưa vào bệnh viện trong tình trạng đi tiêu ra máu, vết thương sưng và bầm tím. Dựa vào dấu hiệu lâm sàng và vết thương, bác sĩ xác định bé bị rắn chàm quạp cắn, dùng huyết thanh kháng nọc rắn và điều trị tại vị trí nhiễm trùng.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không dùng các loại lá đắp lên vết thương vì dễ dẫn đến nhiễm trùng. Nạn nhân cần đến ngay cơ sở y tế để kịp thời truyền thuốc kháng nọc rắn.
Khi bị rắn rắn, nạn nhân và những người xung quanh bình tĩnh, dùng cây hay gậy bắt rắn ra, rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, sát trùng bằng dung dịch betadine hay povidine (nếu có). Sau đó, nẹp cố định chi bị rắn cắn như nẹp gãy xương và băng vết thương từ trên xuống để hạn chế hấp thu nọc độc.
Lưu ý không cột ga rô vì sẽ gây thiếu máu nuôi phía chi bên dưới. Không cắt lể, nặn máu hay hút nọc độc để tránh chảy máu tại chỗ, tăng hấp thu nọc độc.
Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện, ít nhất trong 12 giờ đầu. Theo bác sĩ, nạn nhân càng được điều trị sớm, hiệu quả lành bệnh càng cao.
Lê Phương