Bệnh nhi sốt cao liên tục 4 ngày kèm nhức đầu, đau nhức mình, nôn ói. Đến ngày thứ 5, bé biểu hiện đau bụng, tay chân lạnh, mệt, ói ra dịch lợn cợn nâu. Bé được đưa vào bệnh viện trong tình trạng mạch không bắt được, huyết áp khó đo.
Bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc sốt xuất huyết nặng, điều trị truyền dịch chống sốc theo phác đồ. Trong 6 giờ đầu nhập viện, bé suy hô hấp nặng, bụng chướng căng, ói ra máu, đi cầu phân đen, huyết động không ổn định. Xét nghiệm máu cho thấy tổn thương gan nặng, men gan tăng rất cao.
Các bác sĩ Khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp hội chẩn từ xa với đồng nghiệp Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM), chỉ định đặt nội khí quản giúp thở, tiếp tục truyền dịch chống sốc và chuyển viện về thành phố.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngày 31/8, cho biết khi vào viện, bé được hỗ trợ hô hấp thở máy, tiếp tục chống sốc, sử dụng thuốc vận mạch.
Bé tiếp tục diễn tiến nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng bụng, màng phổi, tổn thương gan thận.
Các bác sĩ phối hợp nhiều biện pháp, chống sốc, truyền máu và chế phẩm máu, điều chỉnh toan, điều trị hỗ trợ gan thận. May mắn sau một tuần điều trị, tình trạng bé ổn định dần, được cai máy thở, thở khí trời, tỉnh táo.
Hồi tháng 7, bệnh viện cứu sống 5 bé trai 6-11 tuổi cùng bị sốc sốt xuất huyết, diễn tiến nặng trên nền thừa cân, béo phì.
Theo bác sĩ Tiến, các nghiên cứu cho thấy sốc sốt xuất huyết trên trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ suy hô hấp sớm. Việc điều chỉnh dịch truyền cho trẻ cũng khiến bác sĩ gặp nhiều khó khăn vì phải hiệu chỉnh cân nặng của trẻ sao cho phù hợp, tránh truyền quá tải dịch cũng như dễ dẫn đến sốc kéo dài, biến chứng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan thận.
Bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh khi trẻ sốt trên hai ngày, đặc biệt nằm một chỗ không chơi, đau bụng, tay chân lạnh, chảy máu cam, máu răng... cần đưa đến bệnh viện để được điều trị cấp cứu kịp thời.