Bé được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu trong tình trạng tím tái, co gồng, hôn mê sâu. Trước đó bệnh viện tuyến dưới đã trợ thở cho bé bằng cách bóp bóng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí đường thở, hút đàm nhớt, đặt nội khí quản thở máy với thông số thích hợp, dùng kháng sinh, điện giải... cho bé. Nghi ngờ bé bị phù não nên bác sĩ phải hội chẩn với khoa nội thần kinh, phải điều trị hơn một tuần bệnh nhi mới tỉnh táo, tri giác cải thiện. Hiện tình trạng sức khỏe của bé dần ổn định, không cần thở oxy nữa và được tiếp tục theo dõi.
"Đây là trường hợp cứu sống khá hy hữu. Đa số trẻ ngạt nước được phát hiện trong 4 phút đầu tiên thì việc cứu chữa tương đối thuận lợi, thời gian ngạt quá lâu tiên lượng rất xấu", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Theo người nhà, phát hiện bé đã hôn mê khi được đưa ra khỏi xô nước, mẹ luýnh quýnh ấn bụng con, gọi người giúp sơ cứu ấn ngực rồi nhanh chóng đưa vào bệnh viện.
Các bác sĩ cho rằng người mẹ hốt hoảng ấn bụng con với hy vọng nước từ bụng trào ra. Cách cấp cứu này có thể khiến dịch dạ dày trào ra, trẻ hít vào sẽ gây viêm phổi rất nguy hiểm. Phương pháp cấp cứu đúng trong những tình huống tương tự là đưa trẻ ra khỏi nước ngay, nếu bé hôn mê và không đáp ứng tức là đã ngưng thở ngưng tim thì ấn tim ở vùng dưới xương ức kết hợp hà hơi thở và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Theo bác sĩ Tiến, đa số tai nạn ở trẻ xảy ra trong các tình huống bất ngờ mà người lớn chủ quan hoặc khó lường. Năm ngoái bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhi ngã vào hòn non bộ có nước chảy ở gầm cầu thang tại nhà. Bé phải điều trị hơn một tháng mới may mắn thoát chết. Trường hợp khác, bé 5 tuổi đi bơi cùng bà ngoại ở hồ bơi. Để cháu đứng ở vùng cạn, bà bơi một vòng quay lại thì phát hiện bé đã chìm dưới nước và không thể cứu chữa.
Lê Phương