Ngày 12/7, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, khoa Cấp cứu - Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, cho biết bệnh nhi nhập viện khi ho sặc sụa, nhịp thở nhanh nông, tím môi, bụng chướng nhẹ. Người bà kể lại trong khi đang chơi, đột nhiên thấy cháu ho sặc sụa rồi khóc lớn, miệng đầy mùi dầu, bên cạnh là chai dầu đã mở nắp, bà vội gọi người đưa đi viện cấp cứu.
Bác sĩ chẩn đoán viêm phổi cấp do sặc dầu thắp, chỉ định thở oxy liên tục, thụt tháo, dùng thuốc theo phác đồ điều trị. Một ngày sau nhập viện, bé không còn phụ thuộc oxy, các triệu chứng tiến triển tốt. Hiện trẻ đã được xuất viện.
Các bác sĩ nhận định trẻ uống nhầm dầu hỏa thường do sự bất cẩn của người lớn, khi để dầu ở trên đất hoặc đựng trong các vật dụng uống nước như chai nước ngọt gây nhầm lẫn.
Dầu hỏa gây ngộ độc tiêu hóa, rối loạn nhiều chức năng cơ thể, nặng hơn là sặc dầu vào phổi gây hoại tử, xẹp phổi, nhiễm khuẩn dẫn đến suy hô hấp, đe dọa tính mạng và có thể để lại di chứng lâu dài.
Cách xử trí khi uống nhầm dầu không giống xử lý khi uống một số chất lỏng khác. Dầu hỏa bản chất là hydrocarbon dễ bay hơi, rất dễ trào vào đường thở khi uống, đặc biệt là khi gây nôn. Do đó, bác sĩ khuyến cáo bố mẹ tuyệt đối không móc họng cho trẻ nôn ói vì nguy cơ hít sặc vào phổi gây tổn thương nặng, suy hô hấp và có thể tử vong.
Gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, không nên dự trữ xăng dầu trong nhà. Nếu cần dự trữ, không đựng dầu trong chai, vật dụng dễ nhầm lẫn như chai đựng nước uống, cốc, bát. Để dầu ở nơi tránh tầm tay trẻ em. Trẻ uống nhầm dầu hỏa, cần đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Thúy Quỳnh