Ngày 4/3, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, cho biết bé nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, các nốt thủy đậu sưng to, tấy đỏ, nhất là vùng cánh tay, bụng.
Người nhà cho biết, bé bị thủy đậu, kiêng tắm nhiều ngày. Sau đó, mẹ dùng kim chọc tất cả nốt phỏng cho vỡ rồi bôi thuốc Đông y. "Trẻ vừa thủy đậu, vừa nhiễm trùng, không được vệ sinh dẫn đến đau, ngứa khắp cơ thể", bác sĩ giải thích.
Để điều trị, bác sĩ vệ sinh các nốt phỏng cho bé, dùng kháng sinh liều cao, giảm đau. Tuy nhiên, vị trí các nốt thủy đậu nguy cơ để lại sẹo lõm, khó lành.
Thủy đậu do virus Varicella Zoster gây nên, chủ yếu lây lan qua đường hô hấp. Đa số trường hợp nhiễm thủy đậu là do tiếp xúc với người bệnh và lây qua không khí như hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hay tiếp xúc chất dịch từ mụn nước, vật dụng cá nhân.
Ai cũng có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh thủy đậu, nhất là trẻ em. Tỷ lệ mắc thủy đậu ở người lớn thấp hơn trẻ nhỏ nhưng vẫn có nhiều ca biến chứng nặng, thậm chí tử vong do chủ quan, thiếu kiến thức phòng ngừa và điều trị.
Dấu hiệu nhận biết là phát ban da với mụn nước đỏ. Các triệu chứng xuất hiện trong vòng 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Người bệnh thường phục hồi trong khoảng hai tuần.
Bác sĩ khuyến cáo người mắc thủy đậu nên vệ sinh sạch sẽ, không được gãi gây nhiễm trùng, để lại sẹo. Không kiêng tắm, mặc quần áo thoáng mát, tránh ra mồ hôi làm tăng cảm giác khó chịu, ngứa. Bệnh nhân cần uống nhiều nước, ăn thực phẩm dạng lỏng như cháo, súp, sinh tố, đặc biệt khi có mụn nước thủy đậu trong miệng.
Minh An