Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Mạch Thọ Thái, Trưởng khoa Cấp cứu A9, ngày 4/11 cho biết trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tím tái, không còn phản xạ, ngừng tim, ngừng thở, tiên lượng tử vong. Trước đó, bé ăn trưa có món lòng lợn và tràng lợn (phần tử cung của con lợn).
Các y bác sĩ cấp cứu ngừng tuần hoàn, ép tim, bóp bóng, lấy một miếng tràng lợn dài 2,5 cm ra khỏi khí quản bé rồi đặt nội khí quản, cho thở máy. Một ngày sau, bệnh nhân dần hồi tỉnh, mạch 112 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg, da niêm mạc hồng hào, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi.
"Bệnh nhi may mắn nhà gần bệnh viện nên đã đến viện kịp thời và được cứu sống trong thời gian vàng. Không phải trường hợp nào cũng mang đến kỳ tích như vậy", bác sĩ Thái nhận định.
Ngày 30/10, bé rút được ống nội khí quản, đi lại bình thường. Hiện, bé ra viện, khỏe mạnh hoàn toàn.
Theo bác sĩ Thái, hóc dị vật đường thở là một cấp cứu tối khẩn. Nếu trẻ đột nhiên xuất hiện tím tái, ngừng thở, bất tỉnh khi đang ăn uống, rất có thể đã bị hóc dị vật đường thở, cần đưa đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu.
Trường hợp trẻ còn tỉnh, người nhà nên đứng hoặc quỳ phía sau, vòng hai tay qua người trẻ. Đặt một bàn tay (nắm đấm) dưới mũi ức, bàn tay kia ôm lấy nắm đấm. Ấn bụng mạnh hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên 5 lần. Kiểm tra miệng, lấy dị vật nếu có. Nếu vẫn còn tắc nghẽn thì tiếp tục lặp lại ấn bụng như trên.
Trẻ hôn mê, bất tỉnh, nên đặt nằm ngửa còn người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Sau đó nắm hai bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ, ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục làm lại các bước trên cho đến khi dị vật ra hoặc đội cấp cứu tới.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên nhắc con ăn uống từ từ, không vội vàng, tránh nô đùa khi ăn dẫn đến hóc dị vật, nguy hiểm tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời.
Hướng dẫn thủ thuật Heimlich sơ cứu hóc dị vật.
Thùy An