Theo ThS.BS Phan Trúc, Phòng Khám Huyết học - Di truyền - Bệnh hiếm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, bệnh nhi đến khám vào tháng 10 năm ngoái sau hơn một năm liên tục đau đầu vào buổi tối. Tình trạng đau đầu nghiêm trọng đến mức em phải dùng thuốc giảm đau mỗi đêm trước khi ngủ. Kết quả chụp sọ não tại bệnh viện tỉnh cho thấy thoái hóa chất trắng không rõ nguyên nhân. Dù đã điều trị ở nhiều nơi, tình trạng không cải thiện, và sau đó em bất ngờ bị liệt hoàn toàn hai chi dưới.
Lo lắng, gia đình đưa bé sang Singapore để tìm hướng điều trị mới. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ yếu tố di truyền nhưng không phát hiện bất thường qua xét nghiệm giải trình tự gene. Bé tiếp tục phải dùng thuốc giảm đau thường xuyên và gián đoạn học tập do các đợt liệt không rõ nguyên nhân.
Tại bệnh viện, bác sĩ Trúc ghi nhận tình trạng tăng bạch cầu ái toan (eosinophil) và chỉ số IgE rất cao, hơn 3000. Ban đầu, bé được điều trị theo hướng nhiễm ký sinh trùng, nhưng dù các chỉ số xét nghiệm giảm, tình trạng đau đầu và liệt chân vẫn không thay đổi.
Trước tình trạng điều trị không hiệu quả, bác sĩ quyết định đánh giá kỹ lưỡng từng triệu chứng. Bé gần như lệ thuộc vào thuốc giảm đau mỗi tối, nhưng khi thay thế thuốc bằng giả dược (vitamin C), em vẫn giảm đau và ngủ ngon. Điều này gợi ý yếu tố tâm lý có thể đóng vai trò quan trọng.
Qua quan sát, bác sĩ nhận thấy bé không có dấu hiệu suy giảm cơ bắp, chỉ không thể tự đứng dậy trong các "cơn bất động". Điều này cho thấy tình trạng liệt không phải thật sự mà là phản ứng của cơ thể trước áp lực tâm lý. Đặc biệt, các cơn bất động xuất hiện nhiều hơn khi bé xa mẹ hoặc đến trường. Thêm vào đó, tiền sử gia đình cho thấy chị gái của bé từng có hành vi bất thường ở độ tuổi tương tự, gợi ý một cơ chế tâm lý đặc biệt có thể liên quan đến yếu tố di truyền.
Bác sĩ Trúc kết luận rằng ban đầu bé có bất thường bệnh lý thực sự, cụ thể là viêm mũi dị ứng gây đau đầu về đêm do không khí lạnh miền Bắc. Tuy nhiên, việc phát hiện hình ảnh thoái hóa chất trắng ở não (không liên quan đến bệnh) đã khiến các bác sĩ đi sâu vào hướng chẩn đoán bệnh lý, vô tình làm bé tin rằng mình mắc bệnh nghiêm trọng. Niềm tin này kích hoạt cơ chế tâm lý đặc biệt, dẫn đến các triệu chứng đau đầu và bất động khi xa mẹ hoặc gặp áp lực.
Để điều trị, bác sĩ áp dụng chiến lược "cắt đứt niềm tin bệnh lý". Mẹ bé được hướng dẫn khẳng định rằng bệnh đã được chẩn đoán và chỉ cần điều trị bằng vitamin C để hồi phục. Đồng thời, bé được nghỉ học tạm thời và ở nhà với mẹ để tạo môi trường an toàn, thoải mái. Kết quả, từ lần tái khám sau đó, bé không còn xuất hiện các cơn bất động.
Rối loạn bản thể (Somatization Disorder) là tình trạng chuyển đổi trạng thái tinh thần, như lo âu hoặc trầm cảm, thành các triệu chứng thể chất. Người bệnh thường trải qua đau đớn hoặc khó chịu nghiêm trọng mà không có căn bệnh vật lý tương ứng. Khoảng 5-7% dân số toàn cầu mắc rối loạn này, phổ biến hơn ở phụ nữ và có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi.
Người mắc rối loạn bản thể thường lo lắng quá mức về sức khỏe, hiểu lầm các triệu chứng cơ thể và tưởng tượng ra những căn bệnh nghiêm trọng. Stress là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng này. Các triệu chứng có thể bao gồm đau ở nhiều vùng cơ thể, khó thở, đau bụng, mệt mỏi... nhưng không có bằng chứng bệnh lý cụ thể.
Việc chẩn đoán và điều trị rối loạn bản thể gặp nhiều khó khăn do người bệnh thường không nhận ra rằng lo âu đang làm tăng các triệu chứng. Phương pháp điều trị tập trung vào trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc hoặc thay đổi lối sống để giúp bệnh nhân đối phó với các triệu chứng và giảm căng thẳng.
Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, rối loạn bản thể có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị kịp thời. Sự quan tâm, chia sẻ từ gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh vượt qua căng thẳng và cải thiện tình trạng sức khỏe.
Mỹ Ý