Thổ Văn Minh được phát hiện suy thận mạn vào tháng 4/2020, sau một thời gian xanh xao, ăn uống kém, hay mệt, khó ngủ. Bé thiếu máu nặng, phải chạy thận nhân tạo cấp cứu, truyền máu. Sau ba tháng nằm viện, gia đình đưa bé về quê, tự thực hiện thẩm phân phúc mạc tại nhà. Hàng ngày, bé được bố mẹ cho dịch vào ổ bụng, sau đó lấy ra, mỗi ngày 4-5 lần.
Cứ vài tuần, cậu bé gầy gò lại bị co giật, huyết áp cao, phải từ Bình Thuận vào TP HCM cấp cứu. Dần dần nước tiểu của bé còn rất ít, màng bụng bị hư nên không thể kéo dài thời gian thẩm phân phúc mạc, chỉ còn cách chạy thận.
Bố bé, anh Thổ Minh Thân, 37 tuổi, người dân tộc Chăm, không nỡ để con đau bệnh suốt đời, bàn với vợ ghép thận cho con. Ban đầu, mẹ bé giành phần hiến thận, để "lỡ có gì thì ba làm lụng nuôi vợ con, chăm sóc bố mẹ vợ đã già yếu". Đi khám, chị phát hiện mắc nhiều bệnh không thể cho con thận. Anh Thân kiên quyết dành cho con quả thận của mình.
Chi phí một cuộc ghép thận trẻ em hiện nay khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm. Người cho thận phải tự trả phí xét nghiệm và cuộc mổ thêm khoảng 70 triệu đồng. Bệnh nhi sau mổ cần uống thuốc chống thải ghép nhiều năm, mỗi năm tốn 10-15 triệu. Anh Thân và vợ bàn nhau bán nhà, rồi ra ruộng dựng lều sống tạm để lấy tiền mổ cho con. Các bác sĩ không đồng ý cách đó, bởi bệnh nhân sau ghép phải được chăm sóc tốt trong môi trường vệ sinh đảm bảo, bác sĩ Võ Thị Tường Vy, Khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết
Nhiều độc giả VnExpress sau khi biết được hoàn cảnh, đã giúp đỡ chi phí. Cuối cùng, nhờ các nhà hảo tâm, gia đình anh Thân có đủ tiền chuẩn bị cuộc chiến giành mạng sống cho đứa con bé bỏng.
Ngày 23/3, các bác sĩ hai bệnh viện Chợ Rẫy và Nhi đồng 2 phối hợp lấy quả thận của anh Thân để ghép cho Minh.
Ca ghép này có sự chênh lệch lớn giữa trọng lượng người cho và người nhận. Quả thận của người cha dài 11 cm. Thận của bé Minh bị thiểu sản hai bên, kích thước rất nhỏ, mạch máu teo hẹp. Đưa được quả thận vào cơ thể người nhận rất khó khăn, tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, kể lại.
Các bác sĩ phải tìm được mạch máu đủ lớn để tưới máu tốt cho thận. "Nếu nối mạch máu to với mạch máu nhỏ đã là thử thách, thì việc đưa khối thận lớn vào cơ thể bé càng không đơn giản", bác sĩ Thạch nói.
Nhờ kinh nghiệm ngày càng dày trong ghép thận bệnh nhi, dụng cụ mổ hiện đại, các bác sĩ đã hành động nhanh chóng và dứt khoát. ""Thời gian lấy thận, ghép thận ở ca này có tính đột phá, chỉ mất gần 5 giờ, so với các ca trước đó mất đến 8-10 tiếng", giám đốc Thạch cho hay. Đây là ca ghép thận thứ 19 tại bệnh viện.
Ra khỏi phòng mổ một giờ, Minh đã có nước tiểu, thận ghép bắt đầu hoạt động. Siêu âm thận thấy tưới máu tốt. Hai tuần sau, đến ngày 7/4, bé hồi phục khỏe mạnh, ăn uống ngon miệng. Các bác sĩ đánh giá bé có thể đi học lại sau 6 tháng, trở về cuộc sống gần như bình thường.
Người cha đang dần hồi phục sau 12 ngày nằm viện, nhưng anh vẫn còn mối lo: "Cơ thể, tính mạng thì không tiếc với con, chỉ lo sau mổ mình lỡ đổ bệnh, trở thành gánh nặng cho gia đình".
Hiện nay, ghép thận là phương pháp thay thế thận tối ưu. Chạy thận nhân tạo, người bệnh phải vào viện liên tục, trường hợp thẩm phân phúc mạc phải ở nhà phải thay xả dịch vài giờ một lần. Trường hợp ghép thận, trẻ có thể đi học, cải thiện sức khỏe, cao lớn, sinh hoạt bình thường. Nhiều bệnh nhi sau ghép thận đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình, sinh con khỏe mạnh.